Không chỉ sử dụng ngôn từ đăng bài viết, livestream chửi bới người khác, còn có các trường hợp đăng tải hay gửi những hình ảnh nhạy cảm của nạn nhân lên mạng xã hội, nhằm trả thù, khiến nạn nhân xấu hổ, thậm chí đã có một số trường hợp tìm đến những cách giải quyết tiêu cực…
Đình đám nhất trong thời gian qua, phải kể đến vụ bị can Nguyễn Phương Hằng đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP.HCM đề nghị truy tố tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Bị can này bị cáo buộc đã tổ chức nhiều buổi livestream để nói về nhiều nội dung khác nhau, gây mất uy tín, danh dự của một số cá nhân.
Hai bị cáo trong vụ tung ảnh nóng làm nhục người khác tại tòa |
SONG MAI |
Mới đây, ngày 3.11, TAND H.Bình Chánh (TP.HCM) tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Minh Thư (19 tuổi) 2 năm 6 tháng tù; bị cáo Phạm Thị Thúy Hà (20 tuổi, cùng ngụ H.Bình Chánh) 1 năm 6 tháng tù cùng về tội “làm nhục người khác”. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do nghi ngờ nạn nhân nói xấu mình, Thư và Hà đã gửi ảnh nhạy cảm của nạn nhân cho người thân, gia đình, bạn bè người này để làm nhục.
Tham dự phiên tòa này, người viết rất chú ý đến nhận định của HĐXX, rằng “hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội và trực tiếp xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác được pháp luật bảo vệ” và “việc áp dụng hình phạt tù đối với 2 bị cáo là nhằm răn đe, phòng ngừa chung”.
Danh dự, nhân phẩm là những giá trị gắn liền với một người và được pháp luật bảo vệ. Khi xảy ra mâu thuẫn, hiểu nhầm, các bên nên ngồi lại nói chuyện, chọn ra cách giải quyết tốt nhất nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thay vì tìm cách làm nhục đối phương. Hãy đặt mình vào vị trí của người bị làm nhục. Người phạm tội có thể sẽ phải bồi thường bằng tiền, xin lỗi công khai hay thậm chí án tù; nhưng nạn nhân, bị hại khó có được cuộc sống bình thường như trước bởi “lời nói gió bay”, “tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”…
Bình luận (0)