Vụ việc xảy ra ngày 13.3 tại vòng xuyến ở P.Hưng Dũng, TP.Vinh (Nghệ An), được một camera hành trình ghi lại toàn bộ diễn biến. Đoạn video này sau đó được đăng tải trên mạng xã hội, khiến dư luận bất bình. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Hải quan Nghệ An đã ra quyết định tạm đình chỉ công việc 15 ngày đối với công chức nói trên để chờ kết quả điều tra của cơ quan công an.
Vụ việc không gây thiệt hại về người, nhưng ở góc độ pháp luật, hành vi này là phá hoại tài sản của người khác, có thể bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021, phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng và phải khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, hành vi này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017). Ở góc độ văn hóa ứng xử, công chức nói trên đã hành xử quá tệ, nhất là tại nơi công cộng.
Trước đó ít ngày, tại TP.Hà Nội, một vụ va chạm giao thông đã trở thành vụ án mạng đau lòng. Xe taxi do ông L.X.T (44 tuổi) điều khiển va chạm với xe máy do Trần Duy Quang (21 tuổi) điều khiển chở theo bạn gái. Giữa hai bên xảy ra ẩu đả và ông T. bị Quang dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu khiến nạn nhân tử vong vào ngày hôm sau. Cơ quan công an đã khởi tố, bắt giữ bị can để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.
Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, xử lý sau va chạm bằng sự nóng nảy, mất bình tĩnh thường đẩy sự việc đi quá xa, mang lại hậu quả nặng nề. Hiện nay, hầu hết ô tô đều được lắp camera hành trình, chưa kể camera an ninh của nhà dân ven đường, là các "mắt thần" giúp phân xử đúng sai. Nếu hậu quả va chạm nghiêm trọng sẽ có cơ quan chức năng phân xử. Người xưa nói "một điều nhịn là chín điều lành", sử dụng vũ lực để giải quyết va chạm không phải là cách xử lý văn minh và đúng pháp luật. Không kiềm chế được cơn giận, khiến bản thân không kiểm soát được hành vi, gây ra hậu quả đáng tiếc, lúc ấy có hối hận cũng đã quá muộn.
Bình luận (0)