Chợt nghĩ, với nhiêu đây tiền, ở quê chắc mua được chục cái đẹp hơn vầy. Sau đó thì chạnh lòng, Tết đã cận kề trước ngõ.
Hồi tôi còn ở quê, bếp ga, lò điện là một khái niệm rất đỗi mơ hồ. Nhà nào sang lắm thì sắm cái lò xô đốt bằng dầu lửa, khói bay mù mịt. Ít sang hơn thì xài lò đất nung chụm bằng than với củi. Khổ hơn nữa thì ra hợp tác xã trả tiền, hốt cả chục bao trấu về xài.
Cái lò trấu là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân quê nghèo khó. Nó cao gần nửa thước, bên trên là ba ông lò, phía dưới có lỗ thoát hơi. Nhét trấu vô thiệt đầy, mồi lửa, lấy ống tre kê lên miệng thổi phù phù. Nhiều khi lửa không hừng mà toàn khói túa ra. Hụt hơi, khói bay vô, ho sù sụ.
tin liên quan
Xứ người giông gió - Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Tài1. Dì Sáu cựa mình thức dậy, nheo mắt nhìn đồng hồ. Mới bốn giờ hơn nhưng muốn ngủ thêm cũng không được nữa.
Người dân quê trân trọng và kính sợ ông Táo như một vị thần hộ mạng. Chắc do nhà nào ngày cũng nấu cơm ba bữa, chẳng ăn hàng quán như giờ. Phía chái bếp lúc nào cũng có bàn thờ, bụi khói bám đầy đen nhẻm. Má tôi luôn dặn con cái, khi nấu cơm không được lấy đũa bếp gõ mạnh lên quả lò, cũng không được “dằn mâm xán chén” ngay tại bếp.
Bởi ông bà chịu khổ đội xoong nồi, phục vụ cho nhà mình rồi, làm như thế là không phải đạo. Con nít con nôi không được ở truồng đi qua bếp, cũng không được nói bậy bạ, tục tĩu, chụm đốt đồ dơ, hay đùa giỡn trước mặt Táo quân. Hễ bọn tôi nóng đầu, ấm trán, ba má lại nhủ thầm do chọc giận ông lò. Lật đật xuống thắp nhang, mong ông bà đừng quở.
Và dù nghèo khổ đến đâu, cuối năm, nhà nào cũng sắm sửa cho mình cái lò đất nung mới. Má tôi có cái quán nhỏ bán hàng tạp hóa trước nhà. Sau rằm tháng Chạp, má mua quá trời lò nung lớn nhỏ đủ kiểu, của thương lái ở Bàu Trúc, từ Ninh Thuận chở ra, chất đống bán cho bà con.
Phải là lò Bàu Trúc người mua mới chịu nhen. Chả biết đất sét nơi đó tốt đến đâu, mà khi nung lên, lò đỏ rực một màu thương nhớ. Tối nào dọn hàng, tôi cũng cẩn thận rinh vô, chứ lỡ tay bể một cái là lỗ sặc gạch. Miệng lẩm nhẩm đếm, hôm nay bán được bao nhiêu cái rồi. Năm nào cũng sợ bán hổng trôi. Nhưng tới chiều ba mươi là sạch bách.
Đêm 23 tháng Chạp, bà con khắp xóm cúng mâm cơm, đốt giấy tiền vàng bạc, tiễn ông Táo về trời báo cáo chuyện trần gian, nhà cửa với Ngọc Hoàng. Ba thắp nhang, miệng lầm rầm khấn vái, mong ông bà Táo nói tốt cho gia đình, để ông Trời thương tình, phù hộ cho gia đình sang năm làm ăn thuận lợi.
Cúng xong, ba sẽ thay lò mới. Sai tụi nhỏ cẩn thận đem cái cũ ra bỏ sau hè, hay mang ra gốc đa giữa làng, hoặc xuống đường luồng đi chợ mà để nhẹ nhàng, không được làm bể kẻo bị quở trách. Và đêm Giao thừa, cả nhà quây quần bên cái tivi trắng đen, coi nghệ sỹ Bảo Quốc, Duy Phương đóng vai Ngọc Hoàng, Hồng Vân vai Vương Mẫu, cùng với các Táo quân Quốc Hòa, Hồng Tơ, Mỹ Chi, Ngọc Giàu… trở thành một phần của ký ức buồn vui tháng năm êm đềm quê mẹ.
Hồi nhỏ, sao bọn tôi thấy cái gì cũng rộng lớn và xa lơ xa lắc. Mảnh vườn của ngoại sát bờ sông quá trời to, với bao nhiêu là cây trái. Thôn xóm chung quanh đông đúc, ồn ào. Đường tới chợ lúc nào cũng xa tít tắp. Lần nào má sai ra đó mua đồ, cũng cằn nhằn cả buổi mới chịu đi. Mà đâu có đi đường thẳng, sợ xa. Cứ băng tắt qua đường luồng ẩm thấp, cạnh bến sông Dinh. Nơi người ta để mấy ông lò chỏng chơ, bể nát, nằm dang nắng phơi sương, giữa trưa nắng chói chang mà sợ ma gần chết.
Giờ về, mảnh vườn của ngoại tự nhiên bé tẻo bé teo, đường ra chợ trở nên gần xịt. Không cần ai bắt biểu, cũng tranh thủ đi bộ ra chợ giảm cân. Làng xóm, nhà cửa bỗng dưng thu hẹp lại. Chắc tại chúng tôi đi khắp cùng thế giới, ngắm bao vùng đất bao la, những công trình đồ sộ, giờ trở về, thấy quê mình bé nhỏ, thân thương.
Ngang qua đường luồng, cũng chẳng còn ai để ông lò cũ nữa. Làng quê phát triển. Bà con xài nồi cơm điện, bếp ga. Lâu lâu mới thấy một hai nhà còn xài lò than ấm áp. Mà một khi đã ăn cơm với cá kho nấu bằng nồi đồng hay nhôm, trên bếp than rồi, sẽ không có món ăn nào trên trái đất này ngon hơn nữa cả.
Nhìn cái lò nung đỏ giữa Maryland một chiều đổ tuyết, tự nhiên chạnh hết cả lòng. Mới hay, người Việt xứ mình, dù thiên di ở góc biển chân trời nào, cũng giữ gìn hồn vía quê hương và thói quen xứ sở.
Rồi chạnh buồn, nhớ làng quê xa tít tắp, ba má yêu thương. Nhớ cả bữa cơm trong khói chiều bảng lãng.
Sống đời miên viễn, khi bữa cơm nhà là một món hàng xa xỉ. Đi làm về, nấu vội bữa ăn thoang thoảng mùi mắm, bới một tô cơm, phòng ai nấy ở, máy (tính) ai nấy xài, thế giới ai nấy sống, hay những khi vác ba lô lang thang, ăn quán, ngủ đường, cùng trời cuối đất, bỗng buộc miệng ước thầm, muốn đánh đổi tất cả những gì mình đang có để quay ngược thời gian, về bên cạnh má ba tháng năm nghèo khổ, để mười mấy người chia nhau từng chút canh chua cá bớp và mấy con mực mặn nướng than. Chỉ một lần thôi, sẽ không tiếc nuối, viễn vông gì nữa hết.
Mà tháng năm thì vô tình đi mãi miết. Mơ ước thì nhiều, nhưng có bao giờ quay lại được đâu?
(Maryland, những ngày giáp Tết Đinh Dậu)
Bình luận (0)