Diễn ra tại Long An từ ngày 5.9, Liên hoan Cải lương toàn quốc giới thiệu 32 tác phẩm của 25 đơn vị trong cả nước, trong đó có 8 đơn vị ngoài công lập.
Liên hoan cho thấy có một sự đầu tư nhất định khi bên cạnh những vở cũ đã có những kịch bản mới, như Anh hùng di hận và Hồi sinh của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai, Tổ quốc nơi cuối con đường của Nhà hát Thế giới trẻ Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Những con sóng vô hình của Hội Sân khấu TP.HCM, Cuộc đời của mẹ của Đoàn nghệ thuật cải lương Long An, Thành phố buổi bình minh của Công ty TNHH truyền thông văn hóa VHT, Người đồng bằng của Đoàn văn công Đồng Tháp... Bên cạnh đó là việc mời đạo diễn tên tuổi dàn dựng như NSND Trần Ngọc Giàu đạo diễn cho 5 vở, NSND Giang Mạnh Hà cũng làm đạo diễn cho 3 vở...
Thỏa mãn phần nhìn
Có thể nhận thấy rõ nhất nét mới ở liên hoan kỳ này là các đạo diễn đã thỏa mãn phần nhìn cho người xem khi mỹ thuật sân khấu được chăm chút kỹ lưỡng. Một số vở đưa những công nghệ sân khấu mới vào áp dụng như dùng màn hình LED lớn làm phông cảnh nền kết hợp ánh sáng và cảnh trí thật tạo sự lung linh cho sân khấu; sử dụng các hiệu ứng video; dùng hiệu ứng tranh cát (vở Hồn của đá của Công ty TNHH Nguyễn Vĩnh Lộc)... Việc sử dụng màn hình LED trên sân khấu cải lương vẫn có những tranh cãi khi có người cho rằng hiệu ứng của nó không phù hợp với cải lương nhưng thực tế cho thấy nếu khéo xử lý và kết hợp thì kiểu thiết kế này vẫn mang lại không gian hiện đại cho vở diễn.
Phần dàn dựng cũng có những cách tân về mặt xử lý. “Tất nhiên vẫn nằm trong khuôn khổ của cải lương chứ không thể phá cách thành một cái gì khác nhưng về mặt xử lý, các đạo diễn đã đưa thêm tân nhạc, múa hiện đại vào cải lương. Cách xử lý sân khấu này đắt hay không đắt và hiệu quả đến mức độ nào còn tùy thuộc vào từng vở diễn, tài năng của đạo diễn và nhất là quan điểm của khán giả hay hội đồng nghệ thuật, nhưng ít ra cũng cho thấy các đạo diễn đã có những tìm tòi, thể nghiệm mới cần động viên”, đạo diễn Huỳnh Tấn Phát nói.
Những thể nghiệm mới thể hiện khá ấn tượng trong vở Tổ quốc nơi cuối con đường (tác giả: Lê Thu Hạnh, chuyển thể: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt), tác phẩm dự thi của Nhà hát Thế giới trẻ Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Sân khấu cải lương đã trở nên rất hoành tráng và hiện đại với đông đảo diễn viên trong các dàn hợp ca, những bài múa hiện đại, và cả yếu tố nhạc kịch... Tiết tấu nhanh của vở diễn cũng giúp cải lương bỏ được định kiến bi lụy, lê thê và giúp đề tài nói về lãnh tụ nhưng không hề khô cứng mà trở nên khá mượt mà, mềm mại.
|
Sự góp mặt của những ngôi sao
Nhiều vở diễn, nhất là các vở của đơn vị xã hội hóa, đã có sự góp mặt của nhiều ngôi sao cải lương như NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Điền, Kim Phương trong vở Tổ quốc nơi cuối con đường; NSƯT Vũ Luân, Trinh Trinh trong vở Hồn của đá; NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Phượng Loan trong vở Rạng ngọc Côn Sơn; NSƯT Trường Sơn trong vở Thái hậu Dương Vân Nga...
Đáng nói là có những ngôi sao tuổi đời, tuổi nghề cao, nhiều danh hiệu vẫn sẵn sàng xuất hiện trong vở như một nghệ sĩ khách mời, với vai diễn ngắn ngủi chỉ khoảng 5 - 10 phút. Như trong Tổ quốc nơi cuối con đường, NSND Hồng Lựu với vai bà Nguyễn Thị Loan, NSƯT Minh Vương với vai cụ Nguyễn Sinh Sắc, nghệ sĩ Kim Phương với vai bà mẹ miền Nam đều chỉ góp mặt trong một lớp diễn ngắn nhưng lại tạo được điểm nhấn, hiệu ứng đẹp cho vở diễn. Thái độ nghiêm túc của các nghệ sĩ ngôi sao trong vai diễn dù ngắn hay dài đều đáng để thế hệ nghệ sĩ trẻ học hỏi về sự không câu nệ vai diễn, dù ở vị trí nào cũng thể hiện một cách chuyên nghiệp vai trò của mình.
Đề tài của vở dự liên hoan phần nhiều vẫn thiên về chính trị như nói đến đấu tranh cách mạng, lãnh tụ, nhân vật lịch sử... Bên cạnh đó có những vở diễn nội dung thiết thực, thể hiện các vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện nay như biển đảo (vở Những con sóng vô hình của Hội Sân khấu TP.HCM); chuyện hiến xác cứu người (vở Hồi sinh của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai); đời sống của người dân nông thôn Nam bộ (Hiu hiu gió bấc của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Người đồng bằng của Đoàn văn công Đồng Tháp)...
Có còn “mưa huy chương” ?
Nhiều người đặt câu hỏi là liệu năm nay, liên hoan có “cơn mưa huy chương” như các kỳ liên hoan khác hay sẽ có những cải tiến trong cách đánh giá và cân nhắc số lượng huy chương để các giải thưởng có giá trị hơn.
Ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban tổ chức Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018, cho biết: “Về số lượng huy chương là thực hiện đúng theo quy chế khen thưởng của nhà nước và của liên hoan, theo quy định là 35% mỗi loại huy chương. Ví dụ, 32 vở diễn thì sẽ có khoảng 8 vở được giải, trong đó có thể có 3 huy chương vàng, 5 huy chương bạc hoặc 5 huy chương vàng, 3 huy chương bạc. Trong lĩnh vực nghệ thuật, nếu chọn 1 cái duy nhất thì tính cạnh tranh rất cao nhưng khó vì đánh giá nghệ thuật không như thể thao, có tính đối kháng rõ ràng. Nhưng cho dù thế nào cũng không phát huy chương bừa bãi mà phải theo đúng quy chế”.
|
Bình luận (0)