Cải lương 'khát' kịch bản sử Việt

Hoàng Kim
Hoàng Kim
30/07/2023 08:17 GMT+7

Những năm gần đây, dư luận có phần băn khoăn khi thấy sân khấu cải lương biểu diễn quá nhiều vở có nguồn gốc sử Tàu, truyện Tàu, mà thiếu trầm trọng những vở lấy đề tài sử Việt.

Các đơn vị sân khấu cho biết họ rất "khát" kịch bản cải lương lấy cảm hứng từ sử Việt, nhưng các tác giả hiện nay không mặn mà viết kịch bản sử Việt. Và tình hình này xem ra sẽ còn kéo dài.

Cải lương 'khát' kịch bản sử Việt - Ảnh 1.

Vở cải lương đề tài lịch sử hiếm hoi Chân dung người mở cõi nói về danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh do Nhà hát Trần Hữu Trang (TP.HCM) dàn dựng

H.K

NỖI LO "BỊ SOI"

Một số tác giả tâm sự rằng, họ cũng thích sử Việt, ấp ủ những dự định, ước mơ xây dựng những kịch bản đề tài lịch sử thật hay, nhưng rất ngại ở chỗ viết ra dễ bị "soi" đủ chiều, nên nản lòng.

Soạn giả Hoàng Song Việt nói: "Viết kịch bản sử khó ở chỗ nếu bám sát chính sử thì đôi khi không hấp dẫn, còn nếu hư cấu thì dễ bị bắt bẻ. Cái khó thứ hai, trang phục qua các giai đoạn lịch sử rất ít, người làm sân khấu thiếu tư liệu để bám vào mà sáng tạo. Vì vậy cứ lên biểu diễn là bị bắt bẻ tùm lum". Quả thật, nếu xét nét cho ra xét nét thì chắc tuồng nào cũng "dính lỗi". Chẳng hạn, từ thời nghệ sĩ Thanh Nga còn sống cho đến gần đây, các nữ diễn viên khi thể hiện vai nhân vật Trưng Trắc trong Tiếng trống Mê Linh thường đội chiếc khăn vành. Tuy nhiên gần đây một số ý kiến cho biết khăn vành chỉ xuất hiện vào thời Nguyễn. Vậy thời Hai Bà Trưng sẽ đội gì? Quả là khó khăn cho tuồng lịch sử!

Nhưng điều mà các tác giả sợ nhất chính là bị xét nét những chi tiết hư cấu, bởi không khéo thì bị phán rằng "xuyên tạc lịch sử". Tác giả Vương Huyền Cơ cho rằng: "Đã viết kịch bản thì khó lòng không hư cấu, và tất nhiên người viết thường chọn những điểm nào "không rõ ràng" trong chính sử để chen ngòi bút sáng tạo của mình vào. Tuy nhiên, hư cấu như thế nào để nâng tầm nhân vật lên, chứ không thể làm mất cái đẹp của nhân vật. Đặc biệt với những nhân vật lịch sử đã có bề dày như Nguyễn Trãi, Lê Văn Duyệt… thì không nên để cho hậu thế hiểu sai lệch về tiền nhân, làm mất đi cảm xúc và sự tôn thờ, hóa ra chúng ta có tội với tiền nhân".

Đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu cung cấp một "hướng ra" cho những người cầm bút: "Nên hư cấu đúng với tinh thần lịch sử chứ không phải đúng với sự kiện lịch sử. Thí dụ, lịch sử ghi là ông Thi Sách bị giết rồi Hai Bà Trưng mới khởi binh, nhưng trong Tiếng trống Mê Linh lại có chi tiết bà Trưng Trắc tế sống chồng. Đó là hư cấu, nhưng lại đúng với tinh thần lịch sử, nâng tầm nhân vật lên là mang nặng "nợ nước thù nhà", được mọi người chấp nhận dễ dàng". Tác giả Lê Chí Trung cũng khéo léo hư cấu về mối tình Nguyễn Trãi - Thị Lộ (vở Yêu là thoát tội) bằng cách đổi tên tất cả nhân vật, khán giả xem thì biết đó là Nguyễn Trãi - Thị Lộ nhưng cũng không bắt bẻ được.

NỖI LO DOANH THU

Thật sự bây giờ cải lương đang rất khó khăn, số lượng đơn vị sản xuất đã ít lại còn không thể diễn nhiều suất như trước, vì vậy tác giả viết mà lo lắng không biết có đơn vị nào chịu dựng, dám dựng. Soạn giả Hoàng Song Việt đồng thời cũng là ông bầu của sân khấu Đại Việt

(TP.HCM) thở dài: "Nhiều đoàn lấy truyện có sẵn, phim có sẵn rồi viết lại cho nhanh, chứ đâu có thai nghén kịch bản sử Việt chi cho lâu và mệt. Mọi người rất thông cảm với các đơn vị xã hội hóa phải tự bươn chải, nhưng tôi nghĩ cũng phải cố gắng một chút chứ không thể buông tay hẳn như vậy". Và anh đề nghị một hướng ra khả thi là viết kịch bản dã sử. Nghĩa là vẫn lấy bối cảnh giai đoạn lịch sử đó, nhưng câu chuyện và nhân vật thì hư cấu, miễn sao thể hiện được tinh thần của tiền nhân. Chúng ta đã từng có Gánh cỏ sông Hàn (soạn giả Thu An) viết về giai đoạn Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh, nhưng các nhân vật đều hư cấu, vô cùng hấp dẫn. Mới đây có Truyền thuyết chàng Sa Mộc (tác giả Hoàng Song Việt) bối cảnh thời Khúc Thừa Mỹ (đầu thế kỷ thứ 10) nhưng nhân vật cũng là truyền thuyết mà thôi. Lớp áo dã sử sẽ khiến kịch bản được hư cấu hấp dẫn và không bị bắt bẻ.

NSND Trần Ngọc Giàu khẳng định: "Nhà nước không nên khoán trắng cho các đơn vị xã hội hóa. Cần sự đầu tư để khuyến khích tác giả viết, khuyến khích đơn vị sản xuất dựng tuồng sử. Thật buồn khi ngay tại một thành phố lớn như TP.HCM mà thù lao cho kịch bản cực kỳ thấp. Còn đơn vị xã hội hóa chỉ trả thù lao kịch bản theo suất diễn, ai cầm bút cho nổi. Thế là họ cứ đi viết cái gì dễ dựng, dễ bán vé, trách họ sao được". 

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cho biết: "Tác giả không nên có tư tưởng chưa viết mà đã sợ cái này cái kia. Cứ viết bằng tất cả tấm lòng, rồi người ta sẽ căn cứ trên tác phẩm mà góp ý, điều chỉnh. Chúng tôi đã và đang dùng mọi cách để nhà nước quan tâm hỗ trợ cho vở diễn lịch sử. Lịch sử là vấn đề lớn, nhà nước phải vào cuộc thôi".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.