Đoàn Dạ Lý Hương của ông bầu Xuân thành lập từ 1963, là một đại ban vững mạnh với cặp đào kép Bạch Tuyết - Hùng Cường được mệnh danh là "cặp sóng thần". Nhưng trước 1975 ông bầu Xuân bận lo kinh doanh, ông là chủ hãng làm ăn rất lớn, cho nên đầu tư gánh vậy thôi chứ mọi việc quản lý giao hết cho ông Nguyễn Văn Hiếu (Tư Hiếu), nghệ sĩ nổi tiếng Ba Vân, soạn giả thường trực Hà Triều, Hoa Phượng, Thiếu Linh. Đến 1974 chiến sự căng thẳng, tình hình xã hội không ổn nên các đoàn hát đều khó khăn, Dạ Lý Hương đành giải thể. Năm 1976 ông bầu Xuân lập lại đoàn nhưng lấy giấy phép của tỉnh Sông Bé. Giai đoạn này nhà nước có chủ trương cải tạo công thương nghiệp nên những nhà tư sản như ông bầu Xuân "được rảnh rang", ông mới xoay qua chăm chút cho Dạ Lý Hương đúng nghĩa là "bầu", còn ông Tư Hiếu về nắm Sài Gòn 3. Dạ Lý Hương tung hoành miệt Bình Dương, Bình Phước tiền vô như nước. Tuy nhiên Dạ Lý Hương chỉ hoạt động đến 1978 thì hoàn toàn giải thể, ông bầu Xuân trở về chùa Nghệ sĩ chuyên tâm lo việc quản lý chùa và làm từ thiện.
Đoàn Hương Mùa Thu thì nổi bật với cặp đào kép Ngọc Hương - Hoài Thanh cũng hoạt động khắp các tỉnh. Vở Gánh cỏ sông Hàn thu hình ở HTV làm chấn động khán giả, đưa Hoài Thanh lên một tầng cao mới. Đây là vở dã sử rất cảm động, nói về cuộc kháng chiến của Lê Lợi chống quân Minh đã có bao nhiêu người dân và dũng tướng phò trợ, hy sinh không tiếc thân mình, nhưng đồng thời cũng có những câu chuyện tình ngọt ngào, bi thương đúng với chất cải lương, cho nên khán giả mới rung động. Hãng phim Bông Sen đã thu audio bán ra, người mua rất nhiều.
Đoàn Tấn Tài cũng khôi phục trở lại với cặp Tấn Tài - Như Ngọc (hai vợ chồng) và cô đào lẳng xuất sắc chính là nghệ sĩ Hồng Nga được mệnh danh "nữ quái". Nghệ sĩ Tấn Tài từng kể: "Riết rồi vợ tôi không có thời gian quản lý nên phải mời thêm những cô đào khác. Lúc đó đi hát vui lắm, bãi nào cũng vài ngàn khán giả. Nói thiệt, tối mà ngồi đếm tiền mỏi tay luôn".
Sau đó Hoài Thanh về đoàn Tháp Mười thì cặp Diệu Hiền - Hoài Thanh lại gây chấn động với vở Nhụy Kiều tướng quân, và cũng tung hoành khắp nơi, hát đâu thắng đó. Nhụy Kiều tướng quân được thu hình phát sóng, nhưng khán giả vẫn yêu mến, mua vé xem đi xem lại không chán. Khi nào Diệu Hiền không có mặt thì Đỗ Quyên lên thay, chị là vợ của Hoài Thanh nên đóng cặp với Hoài Thanh rất ăn ý. Nhụy Kiều tướng quân trở thành vở cải lương kinh điển được các thế hệ sau dựng lại rất nhiều để tham dự các cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ, Trần Hữu Trang, Tài năng Trẻ…
Đoàn Trùng Dương của bầu Yến cũng không kém, lấy giấy phép Bà Rịa-Vũng Tàu và xuất hiện khắp miền Trung. Những nghệ sĩ của đoàn này có Đức Minh, Kiều Lan, Tiến Dũng… Miền Trung thời đó lại rất mê cải lương, hầu như đoàn nào cũng thích ra đó biểu diễn, nhưng đoàn "ruột" thì sẽ dễ bán vé hơn.
Nói thêm cho rõ, giai đoạn này thấy khán giả đón nhận nồng nhiệt nên các đoàn cải lương tập thể mọc lên như nấm sau mưa. Nhưng Sở VH-TT TP.HCM chỉ cấp giấy phép có giới hạn, vì vậy các đoàn phải lấy giấy phép của sở VH-TT các tỉnh, mà nổi bật nhất là tỉnh Sông Bé, Đồng Nai,
Đồng Tháp, vì các đoàn đều có ngôi sao. Có khi một tỉnh mà cấp giấy phép cho nhiều đoàn, miễn làm ăn tốt thì cứ thành lập. Tất nhiên với mô hình cải lương tập thể thì các đoàn vẫn phải nộp kịch bản lên Sở VH-TT, được duyệt mới dàn dựng, rồi phúc khảo xong mới cho diễn. Chỉ có vốn liếng thì ông bầu tư nhân tự lo, rồi tự trả tiền cho nghệ sĩ.
Giai đoạn đầu, các đoàn vẫn còn tuân thủ các tiêu chí nghệ thuật, nhất là các đoàn lớn có nghệ sĩ nổi tiếng, có đạo diễn đàng hoàng, thì sản xuất nhiều vở rất hay. Nhưng càng về sau, mọi thứ lỏng lẻo hơn, đặc biệt ở tỉnh, cứ cấp giấy phép rồi không theo dõi kịch bản, diễn xuất gì cả. Nhiều đoàn nhỏ ồ ạt ra đời và sản xuất tác phẩm dễ dãi, bởi đi vào vùng nông thôn xa thì họ không lo khán giả khó tính. Vì thế cải lương tập thể ngày càng xuống dốc, lượng thì tăng mà chất thì giảm.
Đến 1990 khi video có mặt, đánh những cú trời giáng vào thị trường sân khấu cải lương, các đoàn khốn đốn vô cùng. Nhiều đoàn giải thể, trả giấy phép cho Sở, hoặc giữ lại bảng hiệu để sau này khôi phục dưới hình thức đoàn tư nhân.
Nói cho công bằng, cải lương tập thể giai đoạn này đã làm nên rất nhiều vở hay, trở thành kinh điển. Tiếp thu hệ thống lý luận mới từ những nghệ sĩ miền Bắc vào, ít nhiều cải lương miền Nam cũng có sự phát triển. Sự pha trộn giữa học thuật miền Bắc và sự chân phương, ngọt ngào của miền Nam đã thấy rất rõ trong nhiều kịch bản, dù đề tài lịch sử, dã sử, cách mạng hay xã hội.
Bình luận (0)