Cải lương tập thể một thời vang bóng: Huỳnh Long, Minh Tơ

Hoàng Kim
Hoàng Kim
20/07/2023 07:07 GMT+7

Sau 1975, hầu như các đoàn cải lương hồ quảng đều ngưng hát vì chủ trương nhà nước là không cho hát tuồng Tàu. Nghệ sĩ bèn chuyển hướng sang hát "tuồng cổ" để thích ứng với xã hội mới. Và Minh Tơ, Huỳnh Long đều trở thành những đoàn cải lương tập thể có những kịch bản gây tiếng vang đến tận bây giờ.

Người có công lớn là nghệ sĩ Thanh Tòng. Tới 1975 ông mới 27 tuổi thôi, nhưng đã có kinh nghiệm viết và dựng hàng loạt tuồng từ khi 20, vì vậy ông mang "bầu máu nóng" đó lên gặp các chú lãnh đạo của Sở VH-TT, xin phép cho cải lương hồ quảng được hoạt động trở lại nhưng với cái tên khác. Đặt tên gì cho thể loại tuồng này, cũng đau đầu những người lãnh đạo lắm chứ không hề đơn giản. Cuối cùng, mọi người nhất trí gọi là "cải lương tuồng cổ". Hai chữ tuồng cổ ý muốn nói là kịch bản chuyên về cổ trang, chuyện xưa, lịch sử, chứ không thể nào hát tuồng xã hội. Còn hai chữ cải lương thì rõ rồi, phải tăng cường những làn điệu cải lương nhiều hơn chứ không thể quá nhiều làn điệu hồ quảng như trước.

Cải lương tập thể một thời vang bóng: Huỳnh Long, Minh Tơ - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Trường Sơn và NSƯT Tú Sương trong vở Câu thơ yên ngựa của đoàn Minh Tơ

H.K

Từ chủ trương đó, Thanh Tòng bắt tay viết hàng loạt vở như Câu thơ yên ngựa, Bão táp Nguyên Phong, Má hồng soi kiếm bạc, Ngọn lửa Thăng Long, Tô Hiến Thành xử án, Bức ngôn đồ Đại Việt…Ông cùng chú ruột là Đức Phú một lần nữa Việt hóa các giai điệu nhạc và vũ đạo hồ quảng, đưa thêm trình thức hát bội vào, sử dụng luôn các điệu lý dân gian, tăng thêm bài bản cải lương truyền thống… Thế là lãnh đạo lẫn khán giả đều chấp nhận. Cho đến nay, khán giả vẫn yêu mến những kịch bản đó, và các thí sinh vẫn lấy trích đoạn để tham gia các cuộc thi Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ…

Nói cho công bằng, những vở tuồng lịch sử của Minh Tơ rất xứng đáng, vì luôn đề cao tinh thần bất khuất của nước Việt, thể hiện khí phách dân tộc, gây được cảm xúc, rung động trong lòng khán giả. Kết cấu kịch bản rất chỉn chu, cân đối giữa cải lương và hồ quảng, cân đối cả về tự sự lẫn vũ đạo, hành động, có đi vào chiều sâu tâm lý, nên người khó tính vẫn chấp nhận.

Nghệ sĩ tham gia thời đó vẫn giữ nguyên lực lượng của Minh Tơ như Bửu Truyện, Thanh Thế, Thanh Tòng, Thanh Sơn, Thanh Loan, Xuân Yến, Thanh Quang, Trường Sơn… đều rất lão luyện, yêu nghề, thanh sắc cũng đang độ chín. Vì vậy đoàn diễn suốt các rạp từ Q.5 dài vô Q.1, khán giả đông nghìn nghịt.

Khoảng năm 1990 khi video tràn ngập và các nghệ sĩ đi tứ tán, lãnh đạo đoàn là ông T.P thì mang nợ vì doanh thu quá kém, Minh Tơ đành tạm ngưng, giấy phép gửi lại cho Sở VH-TT. Tuy nhiên, dù đoàn ngưng diễn thì Minh Tơ vẫn "nở nồi" với thế hệ con cháu tài năng như Quế Trân, Tú Sương, Trinh Trinh, Thanh Thảo, Điền Trung, Ngọc Nga… hoạt động khắp các sân khấu khác. Từ năm 2021 gia tộc Minh Tơ bắt đầu phục hồi bảng hiệu, và tổ chức những đêm diễn nghiêm túc. Nhưng theo nghệ sĩ Công Minh, thế hệ trưởng lão của gia tộc Minh Tơ hiện nay: "Chúng tôi tổ chức đêm diễn nhưng mượn nhờ giấy phép các công ty giải trí của Hoàng Song Việt, Kim Tử Long. Chứ bây giờ sử dụng lại giấy phép của đoàn cải lương tập thể cũ thì chúng tôi phải è cổ trả món nợ do trưởng đoàn trước gây ra, mà ông ấy cũng qua đời rồi. Chúng tôi đã lên kế hoạch thành lập công ty tư nhân để lấy lại cái tên Minh Tơ, sẽ để cho Điền Trung, chồng của Thanh Thảo, quản lý. Chúng tôi tin tưởng các cháu, vì còn trẻ, sung sức, sẽ gánh vác thật tốt trách nhiệm với gia tộc".

Cải lương tập thể một thời vang bóng: Huỳnh Long, Minh Tơ - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Bình Tinh và Thái Vinh trong vở Mạnh Lệ Quân của đoàn Huỳnh Long

Đoàn Huỳnh Long cũng không kém cạnh. Nếu Minh Tơ có Thanh Tòng thì Huỳnh Long có Bạch Mai cũng đa tài, đa năng. Bà có thể diễn, dàn dựng, và viết hơn 50 kịch bản vẫn còn dùng được tới bây giờ. Khi Huỳnh Long trở thành đoàn cải lương tập thể y như Minh Tơ thì Bạch Mai cũng viết hàng loạt tuồng lịch sử, tuồng dân gian để phù hợp xã hội mới. Chẳng hạn Tấm Cám, Trọng Thủy Mỵ Châu, Tình sử A Nàng, Anh hùng bán than (nói về Trần Khánh Dư ), Mặt trời đêm thế kỷ (nói về Nguyễn Huệ), và nhiều kịch bản về Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Hoàng Hoa Thám… Các vở diễn của Huỳnh Long giai đoạn này cũng giảm bớt chất hồ quảng, mà tăng chất cải lương, khiến người xem rất cảm động, dễ chịu.

Năm 1991 nghệ sĩ Đức Lợi là chồng của nghệ sĩ Bạch Mai đã sang Pháp biểu diễn gây tiếng vang rất lớn, và đoàn Huỳnh Long vẫn còn sức chèo chống vượt qua cơn "bão" của video. Chỉ tiếc là năm 1994 hai vợ chồng họ đã ly hôn, không còn sức đoàn kết chung tay gìn giữ đoàn hát nữa, cho nên Huỳnh Long phải tạm ngưng. Bảng hiệu vẫn còn để đó, bàn thờ tổ vẫn đặt ở đình Nhơn Hòa Cầu Muối hương khói tử tế.

Nhưng cũng như gia tộc Minh Tơ, gia tộc Huỳnh Long dù ngưng đoàn hát thì con cháu lớn lên vẫn giữ lấy nghề, vẫn học hỏi, phát triển. Nghệ sĩ Đức Lợi và Bạch Mai có hai người con, trai là Chinh Nhân, gái là Bình Tinh, đều rất giỏi. Chinh Nhân từng là kép đẹp đầy triển vọng, không may mất sớm. Còn lại "gánh" hết cho gia tộc lại chính là cô đào Bình Tinh vóc người nhỏ bé nhưng nghị lực vô cùng. Giữa năm 2015 Bình Tinh đã khôi phục bảng hiệu Huỳnh Long, lên sàn tập tuồng, và 2016 khai trương với vở Loạn chiến Phụng Hoàng cung. Coi như kết thúc vai trò của đoàn cải lương tập thể Huỳnh Long, mở ra giai đoạn mới cho hình thức xã hội hóa, tư nhân. Huỳnh Long nay là Công ty cổ phần giải trí tuồng cổ Huỳnh Long. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.