Cải lương tập thể một thời vang bóng: Đoàn Sài Gòn 3

Hoàng Kim
Hoàng Kim
16/07/2023 07:28 GMT+7

Sau khi Sài Gòn 2 ra đời thì doanh thu của nó dành để thành lập thêm một đoàn mới nữa, là đoàn Sài Gòn 3.

Sở VH-TT TP.HCM đã liên tiếp gặt hái thành công khi xây dựng một loạt đoàn cải lương tập thể tập hợp được một lực lượng nghệ sĩ hùng hậu và làm nên những tác phẩm để đời.

Sài Gòn 3 ra đời khoảng năm 1977, là lúc ông Năm Triều đã về Ban Ái Hữu nghệ sĩ tại 133 Cô Bắc, và ông Sáu Thảo (Dương Đình Thảo) lên nhậm chức Giám đốc Sở VH-TT. Ông Sáu Thảo cực kỳ yêu cải lương, nên trong nhiệm kỳ của ông cải lương được quan tâm rất tốt. Sài Gòn 3 đầu tiên có kép đẹp Dũng Thanh Lâm, nhưng chưa kịp tập tuồng thì anh sang Pháp định cư. Mọi thứ chưa đi vào guồng được, ông Tư Hiếu trưởng đoàn bèn tới nhà nghệ sĩ Thanh Điền mời anh.

Cải lương tập thể một thời vang bóng: Đoàn Sài Gòn 3  - Ảnh 1.

NSND Thanh Điền từng là phó đoàn Sài Gòn 3

H.K

NSND Thanh Điền kể: "Ổng dụ tôi, "Nghe nói Thanh Điền chịu chơi lắm hả? Về Sài Gòn 3 thử coi!". Lúc đó tôi mới hơn 30 tuổi còn sung lắm, và trước 1975 đã từng làm bầu gánh Xuân Liên Hoa, kiêm luôn dựng tuồng, và chuyên tìm diễn viên trẻ đưa lên như Dũng Thanh Lâm, Giang Châu, Minh Tâm, Tài Lương, Trương Hoàng Long, hề Vũ Đức, Vũ Quang… Sau năm 1975 tôi tham gia Sài Gòn 2 vở Lỡ bước sang ngang, còn nóng hổi đó, thì bây giờ ổng muốn tôi về đoàn mới. Ừ thì về. Tôi về làm phó đoàn và tham gia đạo diễn luôn, nhưng hồi đó mình không có bằng cấp nên mình không được đứng tên. Chẳng sao. Miễn sân khấu thành công là ai cũng vui".

Đoàn có thêm nghệ sĩ Lệ Thủy, Đức Minh, Đức Lợi, Thanh Việt, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Tài Lương… Vở Mái tóc người vợ trẻ ăn khách tưng bừng khiến uy tín nghệ sĩ Thanh Điền lên vùn vụt. Sau đó ông dựng tiếp vở Một cuộc giải phẫu là vở có nội dung cách mạng rất đậm. Thanh Điền đóng luôn vai chính, bác sĩ Nhân, có hai đứa con, một theo cách mạng, giấu cán bộ bị thương trong nhà (Tài Lương đóng), một lại là sĩ quan VN cộng hòa đang lùng sục người cán bộ đó (Đức Lợi đóng). Bệnh nhân cần được mổ gấp, bác sĩ Nhân bị đặt vào tình thế phân vân, mổ hay không mổ. Sau những đấu tranh nội tâm, thì trái tim bác sĩ đã thắng, cứu người trước đã. Vở tuồng gây tiếng vang đến nỗi được ra Hà Nội diễn cho Bộ Chính trị xem.

Nghệ sĩ Thanh Điền tự nhận mình có máu phiêu lưu, nên sau đó ông dựng tiếp vở Chắp cánh chim bằng nói về Phạm Ngũ Lão. Vấn đề ở đây là Thanh Điền cho Phạm Ngũ Lão "bay" như xiếc, khiến dư luận "cãi nhau" một trận. Cãi bởi đây là vở lịch sử có vẻ rất nghiêm túc, nhưng ông dựng cứ như kiếm hiệp, có đánh kiếm, đu bay hấp dẫn. Phạm Ngũ Lão thật ra cũng là người võ nghệ cao cường, văn võ toàn tài, mới được Đức Ông Trần Hưng Đạo đem về dưới trướng, trở thành Điện súy Thượng tướng quân, tham gia đánh giặc Nguyên Mông, thì chuyện đánh kiếm, đu bay cũng hợp lý thôi. Vở sử mà có thêm chút màu sắc phiêu lưu như vậy hấp dẫn hơn, không có gì đáng ngại.

Cãi thì cãi, chỉ biết rằng khán giả mua vé rần rần. Nghệ sĩ Thanh Điền nói: "Các đoàn khác bán vé 3 đồng, tôi bán 6 đồng, mà rạp luôn kín khách, còn chợ đen thì bán tới 20 đồng. Nghệ sĩ Đình Quang nổi tiếng ngoài Bắc, là thầy của nhiều nghệ sĩ, nghe tiếng đồn bèn vô tận Sài Gòn coi. Ông mới xuống xe, dân chợ đen đã bu quanh mời mua vé. Ông cười vui quá chừng, nói thú vị vì không khí cải lương như thế". Thanh Điền chỉ dựng Chắp cánh chim bằng trong 11 ngày, và sau thành công này đạo diễn Đoàn Bá đề bạt Thanh Điền được đứng tên đạo diễn luôn.

Nghệ sĩ Thanh Điền tiếp tục dựng Công chúa Alysa do Thanh Kim Huệ viết kịch bản, và tạo cơ hội cho Bảo Chung tỏa sáng, từ đó tiến xa trên đường diễn hài, được gọi là "danh hài". Vì vậy, đi đâu Bảo Chung cũng gọi ông là sư phụ một cách trân trọng. Thanh Điền nổi tiếng "mát tay" đưa nghệ sĩ trẻ lên là vậy đó. Ông nói: "Mình làm lãnh đạo thì nên có con mắt xanh nhìn người, ráng chăm chút cho lớp trẻ. Đừng có sợ họ "qua mặt" mình, nổi tiếng hơn mình. Càng có thêm tài năng thì càng mừng cho cải lương chứ sao lại sợ!".

Sau những sự kiện này, nghệ sĩ Thanh Điền được điều động trở lại Sài Gòn 1 để hỗ trợ. Và ông lại làm một cuộc phiêu lưu mới còn đình đám hơn nữa, chúng ta sẽ nhắc sau. Chỉ biết là Sài Gòn 3 giao lại cho nghệ sĩ Dũng Thanh.

Tiếc rằng khi Dũng Thanh lãnh đạo đoàn thì không khí biểu diễn có phần trầm lặng, ít thấy vở nào đình đám như trước nữa, ngược lại còn thêm một sự cố bị báo chí đăng tải. Đó là việc ông trưởng đoàn Sài Gòn 3 dính dáng tới đàn em của ông trùm giang hồ Năm Cam, gây tai tiếng cho nghệ sĩ. Trụ sở đoàn đặt tại đường Trần Hưng Đạo biến thành quán Hát với nhau nhưng cũng không hiệu quả gì mấy. Năm 2000 đoàn này chính thức tan rã. 

(còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.