Có một dạo người trong nghề sân khấu “phản ứng” khi truyền hình ra quy định chỉ dựng vở cải lương 90 phút mà thôi. Thông thường một vở dài khoảng 3 giờ, ngắn nhất cũng 2 giờ 30 phút. Bởi đặc trưng thể loại này là tự sự nên có bài ca, có vũ đạo, thời lượng như thế mới đủ cho nghệ sĩ diễn xuất. Nhưng thời nay đã khác, sân khấu phải chấp nhận rút ngắn vở diễn để phù hợp với sinh hoạt và tâm lý khán giả trẻ. Quả là một thử thách đối với tác giả cũng như đạo diễn, diễn viên.
|
Nhưng Hoa Hạ đã làm được. Lại càng bất ngờ khi kịch bản Đường chân trời (tác giả Hà Nam Quang - Nhà hát Trần Hữu Trang, TP.HCM đầu tư) nói về chủ đề nông thôn mới, không dễ hấp dẫn. Chuyện cướp nghêu, chuyện cán bộ đấu tranh với nhau, người tốt thì bảo vệ dân, người xấu thì tham ô, rồi thành lập hợp tác xã nghêu làm giàu cho xứ sở… Rất nhiều chi tiết và kịch tính, nhưng vẫn đủ khoảng lặng cho tâm lý nhân vật, cho hồi ức, cho tình yêu… Vì vậy, vở diễn tiết tấu nhanh mà vẫn mềm mại, cảm động, thậm chí có cả những lớp hài dễ chịu xen vào. Hoa Hạ đã chứng minh được một điều: cải lương ngắn vẫn hay, nếu biết sáng tạo.
Và vở kịch Rồi 30 năm sau (đạo diễn Lương Duyên) của sân khấu mini Cà phê Bệt (TP.HCM) cũng chỉ dài 1 tiếng 45 phút, khán giả vẫn vỗ tay không ngớt. Tác phẩm của Hà Triều - Hoa Phượng nổi tiếng mấy chục năm, đã được nhiều sân khấu dàn dựng với thời lượng gần 3 giờ. Bây giờ cắt đi cả giờ đồng hồ, vậy mà các diễn viên trẻ của Bệt đã mạnh dạn làm, vẫn không thiếu đất cho tâm lý nhân vật, cho trữ tình, lãng mạn, và pha chút hồi hộp trinh thám hình sự.
Ngắn mà thu hút khán giả thì nên làm lắm chứ.
Hoàng Kim
>> Trao giải giọng ca cải lương giải Cao Văn Lầu
>> Cải lương vào phòng trà
>> Cải lương sống trên internet
>> Cải lương vào phòng trà
Bình luận (0)