Cải lương tuồng cổ hấp dẫn và… gây tranh cãi

Hoàng Kim
Hoàng Kim
27/09/2023 17:50 GMT+7

Sáng 27.9, Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Vai trò của cải lương tuồng cổ TP.HCM từ 1975 đến nay'. Đây thật sự là một buổi trao đổi hăng hái, nhiệt tình, với nhiều điều rất đáng suy nghĩ.

Đông đảo các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, giảng dạy, soạn giả, đạo diễn, ông bà bầu… đã đến dự: nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, TS Lê Hồng Phước, TS Mai Mỹ Duyên, TS Nguyễn Thị Minh Thái, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, nghệ sĩ Bạch Long, Lê Nguyễn Trường Giang, Ngọc Khanh, đạo diễn Hoa Hạ, nhạc sĩ Minh Tâm, Hồ Văn Thành, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng… Tọa đàm xoay quanh hai vấn đề chủ yếu, là quá trình hình thành cải lương tuồng cổ và tìm hướng phát triển hợp lý.

Cải lương tuồng cổ hấp dẫn và… gây tranh cãi - Ảnh 1.

Vở Mạnh Lệ Quân của đoàn Huỳnh Long

H.K

Việt hóa từ hồ quảng

Đạo diễn Thanh Hiệp cho biết, hồi NSND Phùng Há còn sống có kể rằng trước 1975, một số đoàn hát bội và cải lương gặp khó khăn nên đã đưa vào các trào lưu phim ảnh và âm nhạc Hồng Kông, Quảng Châu; vì vậy hình thành nên dạng cải lương hồ quảng mà đoàn Minh Tơ, Huỳnh Long là chủ soái nổi bật nhất. Nghệ sĩ Bạch Long tiếp lời, rằng sau 1975 Sở VH-TT đề nghị bỏ chữ hồ quảng đi, dùng chữ "tuồng cổ" cho mọi người dễ chấp nhận. Chính NSND Thanh Tòng đã tiên phong tìm một hướng đi mới cho cải lương tuồng cổ, bằng cách viết và dựng hàng loạt vở mang đậm tính chất nghệ thuật Việt Nam, với nội dung là sử Việt và âm nhạc thì sử dụng các bài bản cải lương vọng cổ thuần Việt.

Dưới cờ Tây Sơn là vở mở đầu cho thử nghiệm này. Nhưng khổ nỗi, nghệ sĩ tuồng cổ diễn và vũ đạo thì hay, chứ ca thì làm sao bì nổi với Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Tuấn, Ngọc Giàu… đang rực rỡ; cho nên vé bán không được. 

Đến vở Câu thơ yên ngựa, Thanh Tòng đành phải thêm chút vũ đạo và âm nhạc hồ quảng vào. Khán giả chấp nhận. Nhưng ở đây, phải ghi nhận công lao của nhạc sĩ Đức Phú, vì ông đã sáng tạo ra những bài bản mới cho vở diễn, chứ không bê nguyên xi những bài bản hồ quảng vô như xưa. 

Cải lương tuồng cổ hấp dẫn và… gây tranh cãi - Ảnh 2.

Vở Máu loang Lộc Đài thành của nhóm Lê Nguyễn Trường Giang

H.K

Đến vở Lý Thường Kiệt, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài thì Thanh Tòng nhờ Đức Phú soạn nhạc mới hầu hết. Ngay cả Lý cây bông, Lý Phước Kiến mà Đức Phú bỏ thêm trống phách và vũ đạo vào thì ai cũng tưởng đó là nhạc Tàu. Thậm chí bolero mà ông cũng chuyển sang nhạc tuồng cổ được. Nói cho đúng, Đức Phú đã hình thành âm nhạc Việt mà đặt vào tuồng Tàu, nhưng vì viết theo âm hưởng hồ quảng nên người ta không phân biệt được, cứ tưởng nhạc Tàu.

Còn phần nội dung, tại sao tuồng cổ dùng tích Tàu chiếm đa số mà không phải là sử Việt? "Ông bầu trẻ" Lê Nguyễn Trường Giang, kiêm diễn viên, đạo diễn, cũng là hậu duệ của Minh Tơ, nói thẳng: "Tích Tàu phong phú về chi tiết, tâm lý, hấp dẫn ở cách thể hiện và xử lý không gian sân khấu. Trong khi đó, sử Việt cũng phong phú, ly kỳ nhưng thường chống ngoại xâm là chính, người làm nghề ngại hư cấu vào ngóc ngách tâm lý, hoàn cảnh, khiến dễ khô khan, rất khó bán vé". Như vậy, cần mở ra một không gian sáng tác phong phú hơn, thì mới có tuồng tích hấp dẫn.

Đặc biệt, mọi người tranh luận về cái tên "cải lương tuồng cổ", liệu có ổn hay chưa? Soạn giả Trương Huyền nói: "Hồi đó dùng chữ tuồng cổ là để đối phó với tình thế thôi. Nay phải suy nghĩ chữ gì cho hợp lý hơn. Chứ bản thân chữ cải lương là đã bao hàm các thể loại tuồng cổ, lịch sử, dã sử, truyền thuyết, hương xa tâm lý xã hội… rồi. Ghép thêm chữ tuồng cổ là hơi bị thừa". TS Nguyễn Thị Minh Thái lại cho rằng cải lương tuồng cổ là một "chi nhánh" của cải lương, gọi như vậy cũng là để dễ phân biệt với các loại hương xa, tâm lý…

Hỗ trợ để phát triển đúng hướng

Cải lương tuồng cổ hấp dẫn và… gây tranh cãi - Ảnh 3.

Vở Mộc Quế Anh dâng cây

H.K

Đạo diễn Hoa Hạ nêu một thực trạng là mấy năm gần đây các đơn vị dựng tuồng cổ tích Tàu quá nhiều, có thể chiếm đến 80%. Bởi các sân khấu xã hội hóa phải tự bơi, rất khó khăn, thì họ phải chạy theo nhu cầu khán giả. Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng ý kiến: "Nên chấp nhận sự tồn tại của cải lương tuồng cổ vì nó có 3 yếu tố hấp dẫn: tâm lý, phục trang, âm nhạc. Khán giả thích vẻ bề ngoài với phục trang rất đẹp, lấp lánh, thích vũ đạo và âm nhạc rộn ràng, kể cả tâm lý nhân vật cũng ngày càng diễn hay hơn, chi tiết hơn". 

Rõ ràng, cải lương hiện nay sáng đèn thường xuyên vẫn là tuồng cổ chứ không phải các loại tuồng khác, cũng giúp giữ lửa cho cải lương. Vấn đề là giữ tỷ lệ bài bản cải lương bao nhiêu trong mỗi vở để đừng mất chất cải lương. Theo đạo diễn Hoa Hạ, ít nhất là 60%, và các đơn vị cũng nên có ý thức khi viết, khi dựng, đừng đi quá xa truyền thống. Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng còn đề nghị Hội Sân khấu sưu tầm lại các bài bản mà nhạc sĩ Đức Phú đã sáng tác, rồi ký xướng âm, đem đăng ký bản quyền, thì sẽ chứng minh được là chúng ta đã Việt hóa được hồ quảng, chứ không thể nói chung chung. 

TS Mai Mỹ Duyên nhấn mạnh: "Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, diễn được tuồng Mỹ, tuồng Tây, Thái Lan, Ấn Độ… thì sá chi tuồng Tàu. Vấn đề là sức mạnh Việt hóa của chúng ta tới đâu. Nghệ sĩ Thanh Tòng đã làm được việc này thì bây giờ hậu duệ của tuồng cổ cứ phát huy".

Về tương lai của cải lương tuồng cổ, thực tế không khả quan như mọi người tưởng. Bạch Long và Lê Nguyễn Trường Giang cho biết suất nào cũng bù lỗ vài chục triệu. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đang đầu tư cho các vở cải lương tuồng cổ của Bạch Long, đề nghị: "Nhà nước nên hỗ trợ tiền thuê rạp cho các đơn vị, chỉ cần giảm 50% là đỡ lắm rồi". Và theo đạo diễn Hoa Hạ: "Nhà nước cần vào cuộc, hỗ trợ các đơn vị dựng thêm tuồng sử Việt, chứ không thể trách các đơn vị mãi được".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.