Cái lý của người Mông: Nhà trên núi

Khánh Hoan
Khánh Hoan
15/04/2023 06:32 GMT+7

Đồng bào Mông ở Nghệ An có gần 34.000 người, sống quần tụ ở một số xã vùng cao thuộc các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn và Tương Dương. Cùng với những căn nhà nằm chót vót trên núi là những tập tục lạ nhưng cũng mang triết lý hết sức sâu xa.

Người Mông ở Nghệ An có nguồn gốc từ Trung Quốc và sau cuộc xung đột đẫm máu với người Hán, họ tổ chức thiên di về phía nam. Người Mông thích làm nhà cheo leo trên núi cao và rất thích dùng lý lẽ để phản biện đúng - sai.

Đất cao, nhà thấp

Người Mông quần cư theo dòng họ, dựng nhà san sát nhau trên núi. Những ngôi nhà ở đây đều có kiến trúc giống nhau. Làm nhà là việc rất hệ trọng của người Mông, do đó việc làm nhà kèm theo rất nhiều tập tục, lễ nghi phức tạp. Nhà truyền thống phổ biến của người Mông thường gồm 3 gian, hiên và gác phụ. Nhà trệt, thường làm bằng gỗ, thưng ván che chắn xung quanh. Trước đây, người dân làm nhà thường dùng ván cây sa mu dầu để lợp mái. Sa mu dầu rất bền, mùa nắng thường co lại tạo khe hở để gió lùa vào nhà. Khi mưa, gỗ nở ra, rất kín để che mưa. Gỗ sa mu dầu còn có mùi thơm rất dễ chịu. Hiện nay, loài gỗ quý này đã bị nghiêm cấm khai thác nên vật liệu lợp nhà được thay thế bằng mái fibroximăng hoặc mái tôn.

Cái lý của người Mông: Nhà trên núi - Ảnh 1.

Nhà của người Mông ở Nghệ An

K.HOAN

Người Mông thường chọn vị trí rất cao trên núi để làm nhà. Ông Thò Bá Rê, Phó chủ tịch UBND H.Kỳ Sơn (Nghệ An), cho biết có 3 lý do để người Mông ngày trước chọn núi cao để sinh sống. Thứ nhất ở đó khí hậu rất lạnh, phù hợp để trồng cây thuốc phiện; thứ hai, người Mông quan niệm làm nhà trên cao tốt hơn cho sức khỏe; và cuối cùng, ở trên cao sẽ thuận tiện cho việc phát nương làm rẫy. Nhà ở của người Mông thường rất thấp để bớt lạnh vào mùa đông. Bên trong nhà được chia thành các buồng ngủ. Nếu nhà có nhiều thế hệ thì buồng ngủ của ông bà phải đặt đối diện với bếp. Bàn thờ tổ tiên rất đơn giản, chỉ là một tờ giấy do đồng bào tự làm dán ở vách tường. Trên mảnh giấy này có mấy chấm bằng tiết gà và gắn vào một số lông gà.

Cuộc sống của người Mông chủ yếu gắn với nương rẫy. Đó là nguồn cung cấp lương thực (lúa, ngô, sắn…) và thức ăn (bò, lợn, gà...). Người Mông rất siêng năng. Dù không phải mùa làm rẫy, nhưng từ sáng sớm, trừ người già và trẻ em, còn lại hầu hết đều đi rừng để lấy măng, chăm sóc trâu bò.

Cái lý của người Mông: Nhà trên núi - Ảnh 2.

Người Mông ở xã Nhôn Mai, H.Tương Dương, Nghệ An

Cãi lý

Người Mông rất thích lý lẽ. Họ thích tranh luận để phân biệt phải trái đến cùng. Theo cuốn Văn hóa người Mông ở Nghệ An của TS Hoàng Xuân Lương, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cái lý của người Mông dựa trên các quy luật của tự nhiên, dựa trên luật tục, quan niệm đạo đức, vai trò của người có uy tín. Nhiều câu chuyện hài hước về cái lý của người Mông đã được truyền tụng. Chuyện rằng một gia đình người Mông bị đàn bò của lâm trường vào rẫy phá hỏng cây trồng. Chủ rẫy mang súng kíp ra bắn chết một con bò rồi mời đại diện lâm trường cùng trưởng bản đến làm chứng. Chủ rẫy kêu hàng xóm đến cùng làm thịt con bò rồi chia cho lâm trường một nửa số thịt. Cán bộ lâm trường không chịu. Chủ nhà lý sự: Con bò trị giá 2 triệu, cây trồng của ta bị bò phá cũng giá trị 2 triệu, thiệt hại ngang nhau thì con bò phải chia đôi chứ!

Chuyện khác: Một người Mông đi bán mật ong, có người đến xem để mua và nghi ngờ mật ong bị pha trộn liền chê mật loãng. Người Mông liền tỉnh quơ nói "muốn biết mật có thật hay không thì đi mà hỏi con ong, ta có làm ra mật đâu mà biết!". Theo TS Hoàng Xuân Lương, đây là kiểu tư duy vừa tự nhiên (con ong làm mật) vừa là lối đánh tráo khái niệm khôn khéo, hài hước. Một chuyện khác kể rằng có hai người ăn trộm, một người nọ lấy trộm cái tẩu hút thuốc, một người khác ăn trộm một nén bạc. Cả hai bị bắt. Già làng phân xử, phạt người lấy cái tẩu nặng hơn người lấy trộm nén bạc với lý lẽ: nén bạc tuy giá trị hơn nhiều nhưng người bình thường không tạo ra được, còn cái tẩu dù rẻ nhưng ai cũng có thể làm được. Người ăn trộm cái tẩu ngoài tội ăn trộm còn mang tội lười lao động. "Cái lý này của người Mông vừa thể hiện một quy tắc của cộng đồng nhưng cũng thể hiện rõ một quan niệm về lao động, tôn trọng lao động, ghét sự lười biếng"(theo TS Hoàng Xuân Lương).

Chuyện khác: Một người dân bản vừa mới sắm được chiếc xe máy. Do đường đi gồ ghề và chưa quen nên xe đâm phải người đi bộ. Người đi bộ bị đau chân, bắt đền. Người chạy xe máy lý sự rằng "đường là đường chung, anh và ta đều có quyền đi, nhưng nếu anh ngồi ở nhà thì ta làm sao đâm vào anh được! Ta phải lái xe, hai chân và hai bánh xe là bốn, anh chỉ có hai chân, lẽ ra anh phải tránh ta chứ!". Chuyện khác: Một đoàn cán bộ đến bản vận động bà con xóa bỏ cây thuốc phiện. Một số người không muốn thực hiện, liền lý sự: cán bộ cứ về vận động không có ai hút nữa thì ta cũng không trồng nữa!. TS Hoàng Xuân Lương nhận xét đây là cách lý sự lấy cái sai của người khác để biện hộ cho cái sai của mình.

Một cán bộ biên phòng kể thời đường đi vào bản còn khó khăn, mỗi khi cán bộ lên thăm bản đều mang theo muối và dầu hỏa tặng cho đồng bào. Vì số lượng ít ỏi nên cán bộ đành nói: "Đường sá xa xôi, khó khăn vất vả lắm nên chỉ mang được chừng này, bà con thông cảm nhé!". Bà con cười, nói: "Lợn của ta, gỗ trong rừng nặng thế mà cán bộ chở về xuôi có kêu vất vả đâu!". Đây là kiểu nói kháy rất đặc trưng của người Mông. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.