Cai nghiện game

17/12/2008 21:48 GMT+7

Nghe đọc bàiMỗi buổi học là một “thực đơn” mới lạ với rất nhiều trò chơi bổ ích. Học viên nào cũng háo hức chờ đến cuối tuần để lại gặp nhau. Lớp học Cai nghiện game online là một tín hiệu vui cho những gia đình có con em quá sa đà vào thế giới ảo.

Trắng đêm luyện cấp

2 giờ sáng, phòng game tại một tụ điểm vui chơi giải trí khu Bắc Hải, Q.10, TP.HCM vẫn nhộn nhịp với hàng chục game thủ đang mải mê “cày level” (luyện cấp nhân vật trong game). Tụ điểm này có đến 2 phòng dành riêng cho game thủ nhưng không còn một máy trống nào.

Tất cả người chơi đều đang say sưa dán mắt vào màn hình. Phía góc phòng, một game thủ có khuôn mặt xanh xao đang gà gật trên ghế, thì trên màn hình trước mặt đột nhiên xuất hiện đèn đỏ chớp nháy liên hồi. Người ngồi bên liền thúc cùi chỏ vào game thủ ngái ngủ, nói: “Ê, dậy đi, đấu tiếp với tao một trận coi, cày một mình chán quá!”. Để “máu” hơn, hai game thủ này còn đặt cược tiền tỉ thí võ công rồi mới nghênh đấu.

Ngồi đối lưng với hai bạn trên là H.H - nhân viên bán thời gian của một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng và N.T, đang là sinh viên năm cuối trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Mặc dù cả hai đều có máy tính nối mạng tại phòng trọ nhưng chơi game ở nhà cũng chán, nên họ cùng rủ ra tiệm chơi chung cho “có hội có phường”. H.H click vào phần thống kê thành tích tỉ thí khoe với N.T: “Tao đấu hơn 500 trận, thắng hết 2/3 rồi nè, tài chưa!”. N.T cũng không chịu kém cạnh: “Tao thắng ít hơn mày chắc!”. Vừa dứt câu, cả hai lại tiếp tục với những trận thư hùng trên màn hình vi tính.

Bốn lần cấp cứu vì nghiện game

Phải vất vả lắm ông N. (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) mới đưa cậu quý tử T. đến lớp Cai nghiện game online của Trung tâm Văn hóa – Thể thao thanh thiếu niên miền Nam. Ông N. cho biết, ông làm nghề lái xe nên ít có điều kiện gần gũi T. Vợ ông cũng đi làm suốt. Sợ con ra ngoài lêu lổng, ông N. mua cho T. máy vi tính và nối mạng internet cho nó “mở mang đầu óc”. Ông không ngờ T. càng ngày càng nghiện game online. Ông N. kể: “Hồi nó rớt ĐH, chuyển sang CĐ, nó ghiền game dữ lắm. Nó “cắm” ở tiệm net 3-4 ngày mới về nhà một lần. Khi ở nhà thì đóng cửa phòng lại, ôm riết máy tính. Có hôm ba giờ đêm, nó lết xuống kêu mệt, mặt mũi xanh lè, thở không ra hơi. Tụi tui quýnh quáng đưa vào bệnh viện và bị bác sĩ trách: con chú làm gì mà căng thẳng quá vậy? Nếu chậm 10 phút nữa thôi là cháu sẽ tử vong...”.

Sau lần đó, T. còn phải vào cấp cứu thêm ba lần nữa. Ông N. cho hay, sợ con bí tiểu lâu mắc bệnh, ông đặt sẵn... cái bô gần máy vi tính cho T., vậy mà  T. hầu như cũng không dùng đến.

Trong khi đó, bộ đôi H.H và N.T đề cập trên đây suốt mấy năm nay cùng nhau “ăn game online, ngủ game online”. N.T đã phải lưu ban 2 năm ở trường ĐH vì mê game hơn mê học. Còn H.H thì ngày càng còm nhom vì lo thức đêm “cày level”. Sau khi tốt nghiệp ĐH, H.H cứ ngồi chơi game suốt ngày không muốn đi làm. Bạn bè ai cũng hết lời khuyên răn nhưng H.H cứ xua tay chống chế: “Đang tìm việc, mà thôi, từ từ đi làm, đâu có đói mà lo”. Mãi đến khi gia đình cắt giảm tiền chu cấp hằng tháng, H.H mới lò dò đi tìm việc bán thời gian để có tiền nạp vào tài khoản game.

 

2 giờ sáng, nhiều game thủ vẫn say sưa tỉ thí võ công - Ảnh: Trí Quang

Đối với V. - sinh viên một trường ĐH quốc tế tại TP.HCM thì khác. V. không hề bỏ tiền để chơi game online mà ngược lại còn làm ra tiền nhờ bán các loại đồ chơi, vũ khí ảo cho các game thủ khác. Hầu như cuối tuần nào, V. cũng offline cùng các game thủ khác tại quán cà phê để “luận anh hùng, trao đổi kinh nghiệm trận mạc và mua bán đồ chơi trong game. Nhưng không phải ai cũng có thể kiếm tiền theo cách như V. Có khá nhiều game thủ vốn là sinh viên ngoại tỉnh lắm lúc phải bấm bụng nhịn ăn để nuôi nhân vật trong game. Khi hết tiền lại đi vay mượn bạn bè, người thân, rồi nợ mẹ lại đẻ nợ con...

Cai game

Từ cuối tháng 11.2008 đến tháng 1.2009, Trung tâm Văn hóa – Thể thao thanh thiếu niên miền Nam tổ chức lớp Cai nghiện game online tại cơ sở 2 ở Q.Bình Tân, TP.HCM (mỗi tuần lớp học diễn ra từ chiều thứ bảy đến chiều chủ nhật). Trước đó, cán bộ của trung tâm đã tốn rất nhiều công sức để tư vấn, thuyết phục những bạn trẻ nghiện game tham gia lớp học. Đã có không ít trường hợp cán bộ trung tâm phải đến tận nhà giải thích.

Tối 29.11, 20 bạn trẻ từ các tỉnh, thành: An Giang, Long An, Bến Tre, Đắk Lắk, Bình Định, Đà Nẵng, TP.HCM... đã được người thân đưa đến lớp. Sau phần làm quen, những bạn trẻ bắt đầu chơi trò Bingo bằng... bút và giấy. Tiếp đó, tất cả học viên đều “bị” cuốn vào những trò chơi tập thể sôi động, hấp dẫn. Những trận cười sảng khoái. Những tràng pháo tay thích thú. Đặc biệt, những câu cổ động lồng ghép đúng lúc giúp các bạn như tìm lại giá trị bản thân: “Chúng ta không lấy thịt đè người - Chúng ta có nụ cười là sức mạnh - Chúng ta là mặt trời vinh quang - Chúng ta là những người có trí tuệ”.

“Game không phải là thủ phạm dẫn đến hành vi giết người hay cướp bóc, mà là do cá nhân người chơi game quá đam mê đến nỗi không kiềm chế được hành vi ”. Tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn
Trong ánh nến lung linh, học viên đắm chìm trong những câu chuyện có thật của một cán bộ trung tâm vốn xuất thân từ trẻ đường phố biết vượt lên nghịch cảnh. Đặc biệt, bằng cách kể chuyện rất truyền cảm, Tiến sĩ tâm lý - trị liệu Trần Thị Giòng - nhẹ nhàng khơi gợi trách nhiệm làm con trước những hy sinh thầm lặng của cha mẹ, về đạo làm người... Kết thúc câu chuyện về một người có gương mặt thiên thần sau 20 năm bị biến dạng thành gương mặt quỷ, Tiến sĩ Giòng để những học viên tự nêu cảm nhận. Một bạn phát biểu: “Nếu cha mẹ xuất hiện kịp thời, khuyên can chúng ta đúng lúc thì có thể người con đó đã không phải mang gương mặt quỷ”. Tiến sĩ Giòng nói: “Bố mẹ nuôi ta lớn, ta làm gì sai cũng có phần trách nhiệm của bố mẹ. Dẫu vậy, chính ta mới có trách nhiệm lớn nhất đối với cuộc đời mình vì chỉ có ta mới ở với ta suốt 24/24 giờ”.

Mỗi buổi học là một “thực đơn” mới lạ với rất nhiều trò chơi bổ ích. Ban tổ chức còn khuyến khích học viên bộc bạch suy nghĩ chân thật của mình thông qua “Hộp cảm xúc”. Vì thế, học viên nào cũng háo hức chờ đến cuối tuần để lại gặp nhau. Có thể nói, lớp học Cai nghiện game online là một tín hiệu vui cho những gia đình có con em nghiện game. Tuy nhiên, phụ huynh cũng còn hồi hộp sau khi lớp học kết thúc, dù được điều phối viên chương trình kèm cặp một thời gian, nhưng liệu những học viên nói trên có hoàn toàn hết nghiện game? Và, liệu sẽ có những lớp cai nghiện game online miễn phí (hoặc mức phí thấp) dành cho những game thủ nghèo?

Như Lịch - Trí Quang

Cai nghiện Game Online - Kỳ 1: Cai game như cai... ma túy
Cai nghiện game online - Kỳ 2: Gian nan tìm đường cai nghiện
Cai nghiện game online - Kỳ cuối: Ai là bà đỡ?
Cai nghiện game online: Chúng tôi từ bỏ game cách nào?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.