Cải tạo cầu Long Biên thành... bảo tàng khó khả thi

10/12/2014 20:40 GMT+7

(TNO) Cải tạo cầu Long Biên thành cầu bảo tàng và giao thông xanh là hướng đề xuất của kiến trúc sư Nguyễn Nga tại hội thảo của Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam diễn ra hôm nay 10.12. Tuy nhiên, các phản biện cho rằng dự án còn chưa thực tiễn.

>> Ba phương án xây cầu đường sắt gần cầu Long Biên
>> Xe khách mắc kẹt dưới gầm cầu Long Biên
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: 'Phải giữ nguyên cầu Long Biên

Theo đề xuất của kiến trúc sư Nguyễn Nga, trong tương lai, 9 nhịp cầu nguyên thủy của cầu Long Biên sẽ được duy trì bảo tồn nguyên trạng. Những nhịp cầu mất bởi chiến tranh sẽ được tái dựng lại với công nghệ đúc thép hiện đại và được phủ kính trong suốt, trở thành khu triển lãm và khu bảo tàng Ký ức cầu Long Biên - ký ức của các cuộc kháng chiến để lại dấu ấn cho thế kỷ 20.

Cầu cũng sẽ được nâng cao lên 3 m và mở rộng 15 m để phát triển du lịch trên sông. Hai bên thành cầu sẽ dành cho người đi bộ, xe đạp, xe điện và tàu điện du lịch nhỏ có chuông leng keng. Cầu có không gian triển lãm tàu hỏa hơi nước cổ kết hợp quán cà phê, nhà hàng, không gian mở dành cho các hoạt động sáng tạo.

Cai-tao-cau-Long-Bien-Du-an-chua-thuc-tien
 

Cầu Long Biên sẽ thành bảo tàng và nhà hàng - Ảnh: Trinh Nguyễn chụp lại từ dự thảo dự án

Bên cạnh đó, phố Gầm Cầu - Phùng Hưng sẽ thành phố nghề nghệ thuật, vườn treo. Tháp nước Hàng Đậu sẽ thành bảo tàng Cổ vật. Gần đó, đầu cầu Gia Lâm có Bảo tàng nghệ thuật đương đại có hình hoa sen. Bãi giữa sông Hồng lại có Bảo tàng quốc gia Nông - Lâm - Ngư Việt Nam.

Ôm đồm và thiếu thực tế

Tuy nhiên, nhiều kiến trúc sư tham gia phản biện dự án đã lên tiếng về sự ôm đồm và thiếu thực tế của bản dự án này.

Một số kiến trúc sư tham dự hội thảo cho rằng, cần cân nhắc giá trị sử dụng thực tiễn của việc biến cầu Long Biên thành không gian bảo tàng. Bởi thực tế, ở Hà Nội đã có những công trình, như bảo tàng Hà Nội, tốn công sức, kinh phí xây dựng nhưng giá trị sử dụng thực tiễn để phục vụ cộng đồng không có mấy. Bên cạnh đó, giá trị cao nhất của cầu Long Biên là giao thông. Nên để là cầu đường bộ để bảo đảm bền vững, lâu dài. Không nên làm bảo tàng mà biến thành đường sắt du lịch. 

Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, một thành viên trong đoàn sang Pháp đàm phán về bảo tồn cầu Long Biên, đánh giá dự án này chưa tiếp cận được cái mới. Chưa kể, dự án đang mắc ở khâu cầu này là công trình đặc biệt, phải lo đến chuyện bảo tồn. 

Ông Nghiêm cũng lưu ý: Hà Nội từng mắc phải vấn đề này qua nhiều dự án như đường qua đàn Xã Tắc. “Nên khôi phục nguyên trạng hiện nay nhưng cần có phương án giải quyết vấn đề xuống cấp”, ông Nghiêm nói.

 Cai-tao-cau-Long-Bien-Du-an-chua-thuc-tien
Bảo tàng nghệ thuật đương đại gắn với cầu Long Biên sẽ có hình hoa sen - Ảnh: Trinh Nguyễn chụp lại từ dự thảo dự án

Ngoài ra, ông Nghiêm cũng lưu ý cần bảo tồn cả các không gian quanh cầu, bảo tàng nên là bảo tàng sống chứ không đóng khung.

Một vấn đề khác cũng được ông Nghiêm đặc biệt lưu ý là cầu Long Biên chỉ là một phần của quỹ di sản. Vì thế, đừng nên ôm tất cả vào hơn 1.800 m cầu này. “Cầu Long Biên phải là công trình giao thông. Gầm cầu có thể được khai thác nhưng không phải để chứa tất cả các làng nghề. Bảo tàng tranh, văn hóa đã có thì ôm vào cầu Long Biên làm gì?”, ông phân tích.

Phó chủ tịch Hội Quy hoạch - Phát triển đô thị Việt Nam Đỗ Hoàng Ân nhấn mạnh, có thể xem xét phương án giao thông xanh trên cầu Long Biên. Tuy nhiên, phải lập dự án theo hành lang pháp luật của Việt Nam. Theo đó, dự án cũng cần được trình các Bộ để lấy ý kiến phản hồi.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.