Với đa số đại biểu tán thành, luật Dược sửa đổi thông qua sáng nay 6.4 (có hiệu lực từ 1.1.2017) đưa ra nhiều quy định cấm để chấn chỉnh tình trạng “loạn” giá thuốc.
Luật Dược sửa đổi có nhiều quy định cấm trong quản lý thuốc |
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, luật đã bổ sung quy định mới so với luật cũ về các hành vi cấm trong quản lý giá thuốc. Cụ thể, luật cấm cấp phát, bán thuốc đã hết hạn sử dụng; thuốc bảo quản không đúng quy định ghi trên nhãn thuốc; thuốc đã có yêu cầu thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ cho người sử dụng. Ngoài ra, luật cũng nghiêm cấm hành nghề mà không có chứng chỉ hành nghề dược hoặc trong thời gian bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược.
Liên quan đến chứng chỉ hành nghề dược, luật cũ quy định 5 năm cấp lại 1 lần. Tuy nhiên, luật mới đã sửa lại chỉ cấp duy nhất 1 lần để tránh phiền hà, nhiêu khê về thủ tục hành chính. Đối với các trường hợp vi phạm quy định, sẽ bị tịch thu chứng chỉ hành nghề và chỉ xem xét cấp lại khi đáp ứng đủ các quy định, tiêu chuẩn được ban hành.
Về nội dung quản lý giá thuốc, luật Dược đưa ra nguyên tắc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch giá thuốc khi lưu hành thuốc trên thị trường; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
Bình luận (0)