Trong hội trường đông nghịt cả nghìn người, từng nhóm nhỏ chừng 6 - 7 người được một trưởng nhóm phân tích về con đường thay đổi tương lai, làm chủ cuộc đời. “Công thức làm giàu” khá đơn giản, chỉ cần mua hàng rồi vận động bạn bè, người thân, gia đình cùng mua hàng. Muốn lên chức để hưởng hoa hồng thì cần bán nhiều hàng, còn không thì tự bỏ tiền mua sản phẩm. Mang câu chuyện kể với anh chị, tôi mới biết đó là bán hàng đa cấp biến tướng…
Hơn 10 năm sau, đa cấp biến tướng vẫn vươn “vòi bạch tuộc”, mời mọc sinh viên, học sinh và cả công nhân với đồng lương ba cọc ba đồng. Với sự bùng nổ của internet, việc tìm kiếm “con mồi” càng dễ dàng, nhất là những người đang gặp khó khăn về tài chính, muốn kiếm tiền thật nhanh để trang trải cuộc sống, giúp đỡ gia đình. Và nhiều người đã sa lưới. Sau loạt bài Vén màn bí mật hàng loạt sinh viên “mất tích” đăng trên Báo Thanh Niên, Bộ Công an đã vào cuộc làm rõ những dấu hiệu lừa đảo. Nhưng có lẽ động thái đó chưa đủ “ép phê” đối với những “đường dây” đa cấp trái phép - vốn kiếm tiền khá dễ dàng từ việc dụ dỗ mua sản phẩm, hàng hóa với giá cao gấp nhiều lần thực tế.
Bằng chứng là mới đây, Sở Công thương TP.HCM cho biết sẽ lập đoàn kiểm tra đối với 5 tổ chức, cá nhân có dấu hiệu kinh doanh đa cấp không phép, hoạt động theo phương thức “lấy mỡ nó rán nó”. Đáng chú ý, “đường dây” này dùng thủ đoạn đăng tin tuyển nhân viên để tìm kiếm “con mồi” là những người đang thất nghiệp. Trong hoàn cảnh bức bí, nhiều người đã không đủ tỉnh táo trước những lời lẽ ngon ngọt, rơi vào cạm bẫy. Chỉ một công thức, đa cấp bất chính sống dai dẳng và phá nát bao cuộc đời, bao gia đình. Nhiều người dù thoát khỏi vòng vây của đa cấp bất chính nhưng sống trong dằn vặt về quãng thời gian tiếp tay cho những kẻ lừa đảo qua việc dụ dỗ người thân, gia đình mua sản phẩm. Để tránh lâm vào cảnh “mất cả chì lẫn chài”, cần cảnh giác trước những chiêu trò dụ dỗ.
Bình luận (0)