Đặc biệt, rất nhiều lĩnh vực như khoa học máy tính, digital marketing (tiếp thị kỹ thuật số), gia công dữ liệu... đã “nở nồi” từ bối cảnh ấy. Nhìn ở một góc độ tích cực, chính điều này đã tạo cơ hội rất lớn cho người khuyết tật nói riêng được học tập, phát triển và hòa nhập với xã hội.
Như những nhân vật trong loạt phóng sự Người khuyết tật thời 4.0 đăng trên Thanh Niên đã cung cấp một cách nhìn khác về đời sống của người khuyết tật. Đó là câu chuyện của anh Dương Tuấn Nam (ảnh), một người trẻ khiếm thị, tiên phong học và làm việc trong ngành khoa học máy tính. Là chàng thanh niên Phạm Như Ý bại liệt hai chân, nghỉ học sớm, mưu sinh 13 năm bằng nghề bán vé số đã dành dụm tiền học vi tính, thiết kế đồ họa... để nay là trưởng nhóm digital marketing của một công ty thiết kế nhà. Hay câu chuyện của cô gái trẻ Phạm Hồng Nhung (khuyết tật vận động ở tay, câm) sống trọn với công việc designer chuyên nghiệp sau những lần “trượt dốc” dài vì trở ngại học tập.
LÊ TRỌNG |
Có thể nói, người khuyết tật hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu lao động ở các lĩnh vực công nghệ. Và đối với họ, có một công việc, có thu nhập, sống tự lập là con đường ngắn nhất thoát khỏi những tự ti, mặc cảm của bản thân hay định kiến gánh nặng của xã hội.
Một điều đáng kể khác, tận dụng nền công nghệ, số hóa hiện hữu, nhiều công ty khởi nghiệp ra đời, cung cấp vô vàn sản phẩm, ứng dụng... để đáp ứng từng dạng tật. Với người khiếm thị, có thể kể ứng dụng hỗ trợ như trình đọc màn hình (phần mềm JAWS, Microsoft Narrator...), màn hình chữ nổi có thể làm mới (Google BrailleBack, Google TalkBack); với người khiếm thính có ứng dụng máy trợ thính Petralex; phần mềm áp dụng trí tuệ nhân tạo để tự động phiên âm lời nói; với người khuyết tật vận động có cánh tay, chân giả robot...
Như thế, người khuyết tật, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cá nhân và trợ giúp của công nghệ, ngày càng có cuộc sống tự chủ, tự tin, hòa nhập với cộng đồng. Đồng thời, họ trở thành niềm cảm hứng, năng lượng tích cực, lạc quan cho bao người.
Bình luận (0)