Với Việt Nam, từ một nước nô lệ trở thành một quốc gia độc lập, từ người dân vong quốc trở thành công dân có Tổ quốc, từ người dân không có thân phận trở thành người dân tự làm chủ đời mình, có thể ngẩng cao đầu đi trong cuộc đời, thì Quốc khánh là một điều rất đặc biệt. Đó là một niềm cảm hứng lớn.
Tổ quốc có quốc huy, có quốc kỳ, có quốc ca, còn người dân có thân phận, có tự do, trong lòng tràn đầy cảm hứng, tràn đầy nhiệt huyết, khát khao muốn hiến dâng cho Tổ quốc từ nay đã thuộc về mình. Đó chính là giá trị tinh thần của Quốc khánh Việt Nam.
Sự sở hữu những giá trị tinh thần lúc ấy là vô giá. Tinh thần được thăng hoa, con người cảm nhận được giá trị bản thân, từ nô lệ thành người tự do, đó là niềm cảm hứng bất tận mà ngày Độc lập 2.9.1945 mang lại cho dân tộc Việt Nam.
Cảm xúc ấy, sự thăng hoa ấy không chỉ có ở người Việt trên đất Việt, nó có ở tất cả những người Việt xa xứ, ở khắp nơi trên thế giới.
Đã 75 năm kể từ buổi sáng trên quảng trường Ba Đình ấy. Đất nước đã trải qua ba cuộc chiến tranh với bao nhiêu đau thương, mất mát, nhưng cảm hứng từ ngày Độc lập 2.9.1945 chưa bao giờ nguôi trong lòng người dân Việt. Đó là cảm hứng của tình đoàn kết cả dân tộc nhập thành một khối, sẵn sàng hy sinh bảo vệ nền độc lập non trẻ, sẵn sàng thể hiện khát vọng tự do nung nấu qua hàng nghìn năm của một dân tộc phải trải bao khó nhọc xây dựng nên một dải non sông Việt Nam. Không bao giờ chịu để mất đất nước vào tay bất cứ kẻ xâm lược nào.
Chỉ có lòng yêu nước mới đoàn kết được người Việt, và chỉ có lòng yêu nước mới khiến người Việt tự xóa bỏ mọi bất đồng để cùng đứng trong hàng ngũ những người yêu nước, những người quyết đưa Việt Nam phát triển bằng nỗ lực lao động sáng tạo của mình, bằng đạo đức sống trong sạch của mình. Nói ít và làm nhiều, nói những điều ngay thẳng và làm những điều ích nước lợi dân, luôn hòa hiếu nhưng cũng luôn mạnh mẽ, can trường trước bất cứ sự đe dọa nào. Biết dùng trí tuệ, và mang cả tâm hồn phục vụ cho đất nước. Những ai làm lợi cho đất nước, cũng chính là làm lợi cho mình. Những ai biết vì dân, thì cũng là biết vì mình. Vì mình xuất thân từ nhân dân, không bao giờ được phép đứng trên nhân dân, số phận của cá nhân mình phải nằm trong số phận của nhân dân. Chỉ khi đó, lòng yêu nước của mình mới thực sự là lòng yêu nước của người Việt.
Nếu khẩu hiệu của Việt Nam trong đại dịch Covid-19 “Chống dịch như chống giặc”, thì đó là nối tiếp truyền thống chống ngoại xâm của Việt Nam từ hàng nghìn năm nay. Những “chiến binh thầm lặng” chống dịch hôm nay gợi nhớ tới những người lính thầm lặng làm nên bao chiến công ngày còn chiến tranh. Đừng bao giờ quên những hy sinh đóng góp của họ cho nhân dân, cho đất nước.
Càng trong thử thách, người Việt càng đoàn kết, và đó là truyền thống Việt Nam phải được phát huy từ thời đại này sang thời đại khác.
Bình luận (0)