Nguồn: GIZ/BEM |
Nhằm thúc đẩy sản xuất năng lượng sinh học, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách. Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh và Chiến lược Phát triển Năng lượng Tái tạo, Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sản xuất điện sinh khối trong tổng sản lượng điện lên 2,1% năm 2030 và 8,1% vào năm 2050. Tuy nhiên, công suất lắp đặt điện sinh khối ở Việt Nam hiện nay mới chỉ đạt 391 MW và còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển.
Với nguồn hỗ trợ từ Chính phủ Đức, Tổ chức Hợp tác Phát triển GIZ đã và đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động để phát triển năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng sinh học nói riêng. Trong đó, Dự án "Bảo vệ khí hậu thông qua Phát triển Thị trường Năng lượng Sinh học Bền vững ở Việt Nam" (BEM) của GIZ đóng vai trò quan trọng.
Dự án BEM kéo dài 4 năm, từ tháng 4.2019 đến tháng 3.2023. Mục tiêu là cải thiện các điều kiện tiền đề cho việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên sinh khối để sản xuất điện và nhiệt tại Việt Nam. Dự án có trọng tâm là nâng cao năng lực lập quy hoạch, năng lực kỹ thuật chuyên môn và tài chính cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sinh khối.
Nguồn: GIZ/BEM |
Dự án là một trong các dự án được Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức (BMU) tài trợ Việt Nam, thông qua Chương trình Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI). Về phía Việt Nam, đối tác chiến lược là Bộ Công thương. Dự án do GIZ và Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (EREA) thuộc Bộ Công thương phối hợp thực hiện.
Dự án BEM gồm 3 lĩnh vực hoạt động chính: Hoàn thiện khung pháp lý và chính sách; Nâng cao năng lực và Hợp tác công nghệ.
Cụ thể, trong lĩnh vực thứ 1, Dự án BEM tạo điều kiện và hỗ trợ điều chỉnh khung chính sách về lập quy hoạch và cấp phép thực hiện các dự án năng lượng sinh khối ở cấp tỉnh. Đồng thời, dự án cập nhật nhu cầu của các cơ quan quản lý, nhằm hỗ trợ phát triển năng lượng sinh khối, xây dựng các chiến lược quy hoạch phát triển nguồn năng lượng sinh khối ở địa phương và đưa ra các khuyến nghị cải thiện quy trình phê duyệt các dự án đầu tư năng lượng sinh khối
Ở lĩnh vực thứ 2, Dự án BEM của GIZ sẽ tổ chức tập huấn để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp tư nhân, để triển khai việc thiết kế và phát triển các dự án đầu tư năng lượng sinh khối, cũng như nâng cao năng lực các tổ chức tài chính/ngân hàng thương mại trong nước nhằm tạo vốn cho các dự án.
Trong lĩnh vực cuối, Dự án BEM cam kết hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác công nghệ cũng như kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp quốc tế, viện nghiên cứu và các trường đại học về sử dụng tài nguyên sinh khối cho sản xuất điện và nhiệt.
Ông Nathan Moore, Giám đốc Dự án BEM của GIZ, cho biết: "Việt Nam có nguồn tiềm năng dồi dào để sản xuất năng lượng sinh học. Mặc dù công nghệ sản xuất đã phổ biến nhưng việc sử dụng nguồn năng lượng này cho mục đích thương mại còn mới mẻ ở Việt Nam".
Nguồn: GIZ/BEM |
Ông nói: "Năng lượng sinh học, sau khi xử lý có thể chuyển hóa thành nguồn nguyên liệu hữu cơ - ở dạng cứng là năng lượng sinh khối và ở dạng lỏng là khí biogas. Với các công nghệ chuyển đổi khác, nguồn nguyên liệu này sản xuất ra điện hoặc nhiệt, hoặc cả hai. Do vậy, với các hoạt động của Dự án BEM, người dân và môi trường sẽ hưởng lợi từ việc cung cấp và sử dụng nguồn năng lượng bền vững, đồng thời hưởng giá cả hợp lý tại Việt Nam".
Nỗ lực mới đây của Dự án BEM là ký biên bản ghi nhớ với Sanofi Việt Nam - thương hiệu dược phẩm hàng đầu thế giới - để hợp tác triển khai dự án “Trấu - Nhiên liệu xanh mới” (Dự án RING). Theo đó, GIZ sẽ hỗ trợ kỹ thuật để nhà máy của Sanofi chuyển đổi lò hơi sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng trấu, và tăng chuỗi giá trị trấu bằng việc sử dụng tro trấu - một phụ phẩm với hàm lượng silica cao. GIZ sẽ đánh giá tính khả thi về kỹ thuật và kinh tế của Dự án RING, bao gồm quy mô, chi phí, và các mô hình kinh doanh.
Buổi ký kết được thực hiện trực tuyến. |
Nguồn: Sanofi Việt Nam |
Dự án BEM nằm trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP). Chương trình ESP góp phần giảm phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh của Việt Nam thông qua tăng cường khung pháp lý cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý.
Cùng sự hợp tác của Bộ Công thương, Chương trình ESP sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc trong năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.
Bình luận (0)