Thực tế, ít nhất đến thời điểm này và cả những năm sắp tới, không như vậy. Báo chí thực sự vẫn tồn tại và phát triển. Mà một trong những lý do chính là thông tin trên báo chí có những nguyên tắc riêng, đòi hỏi người viết phải có những kỹ năng nhất định và luôn tuân thủ các nguyên tắc này.
Với kinh nghiệm từng làm việc ở báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tu nghiệp tại Đại học Báo chí Lille... nhà báo Ngọc Trân (hiện là cố vấn biên tập Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư, giảng viên thỉnh giảng Khoa Báo chí và Truyền thông - Đại học KHXH-NV TP.HCM) đã “đúc kết” các nguyên tắc, kỹ năng để giúp những người muốn viết báo có thể tác nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn.
Cuốn sách (*) gồm 15 chương, là cẩm nang cơ bản về nghề báo. Tác giả giúp người đọc tìm hiểu về tin tức, cách thức săn tin... rồi kỹ thuật viết lách, những kiểu rút tít hấp dẫn cho các loại bài khác nhau, tìm hiểu về mô hình và cách thức hoạt động của tòa soạn...
Với quan điểm: “Nghề báo không khác gì một nghề thủ công, qua đôi tay cần mẫn của người viết mà tác phẩm được tạo thành. Nghề này còn giống nghề nông, phải cày sâu cuốc bẫm, phơi đất, tìm giống, gieo hạt, khơi nguồn nước, làm cỏ, phun thuốc diệt sâu bọ mới mong có ngày thu hoạch tốt”, tác giả viết sách dành cho những bạn trẻ muốn bước vào nghề truyền thông, nhưng cũng bổ ích cho cả những người đang cầm bút trau dồi nghề nghiệp.
Sách phát hành ngày 21.6, nhân kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí Cách mạng VN.
Minh Đức
(*) Viết tin, bài đăng báo, Ngọc Trân, NXB Trẻ
Bình luận (0)