Thoạt đầu mới chỉ là vài mẩu chuyện trong sinh hoạt thường ngày ngộ nghĩnh đáng yêu của bốn cô cậu: cu Mùi, cậu Hải cò, cái Tí sún và cái Tủn. Rồi mở rộng dần như một vết dầu loang theo một ngẫu hứng tài tình mà có thêm Hiệp còi, cái Lý, chú Nhiên, ông Hiên, anh Sỏi, bà Ngát, chị Chiêu… Thành một bức tranh liên hoàn, một không gian nghệ thuật rộng lớn với một chuỗi các câu chuyện đời phong phú vô cùng thú vị và bất ngờ.
Nói đến cái ngẫu hứng tài tình là nói đến cái phẩm chất quý giá nhất của văn chương - sự tự nhiên hồn nhiên trong trẻo. Là có thể lấy ví dụ tiêu biểu ở câu chuyện viết ở Chương 7 có tên là Bản đồ thị trấn. Bốn đứa trẻ nẩy ra trò vẽ bản đồ thị trấn quê hương của chúng. Thì cũng như các trò chơi như trò vợ chồng-bố mẹ, trò làm vua, làm hoàng hậu… của tuổi lên tám. Tới chỗ tắc tị thì cả nhóm phải đi “thực địa”. Và chính ở cuộc đi “điền dã” này mà chúng có thêm bạn bè, biết thêm các cảnh ngộ, với những số phận lạ lùng và nhờ vậy tâm hồn tuổi thơ được nới rộng đường biên với thế giới bao la bên ngoài.
|
Lúc đó tôi nghĩ ba con Tí sún là con người kỳ quặc. Đâu phải cái gì trên đời cũng gắn với tiền bạc. Cũng như đâu phải con người ta làm chuyện gì cũng vì tiền. Sau này thì tôi thất vọng phát hiện ra đó là thói quen của người lớn. (Thực ra tôi không ghét người lớn, vì đằng nào tôi cũng trở thành họ, tôi chỉ không thích cách họ quan tâm đến tiền thôi!) (Chương 9 - Câu chuyện tiền bạc).
Yếu tố vui nhộn là điều phù hợp với các em. Nguyễn Nhật Ánh đã có lần viết vậy. Vui, hóm hỉnh, ngồ ngộ là phẩm chất trội nổi trong những trang văn của anh. Nhưng đó đâu có phải là những cảm xúc trẻ trung dễ dãi. Sau tất cả là sự rung động của con tim. Là tâm hồn của tuổi thơ được thanh lọc triệt để, để hướng về cái thiện, về sự xót thương, về tình yêu cuộc đời và cái đẹp vĩnh hằng tròn trặn.
Xin bạn đọc hãy đọc thật chậm rãi câu chuyện xảy ra ở chương 10 và chương 11. Bốn bạn trẻ tám tuổi hè nhau cùng vẽ truyện tranh có hai nhân vật là con dê Tuyết Trắng và con hổ Tai Tròn. Tranh cãi nhau í om từ cốt truyện, cái tên đặt cho từng con vật, đến tình huống hai con vật gặp nhau. Và quyết liệt nhất là kết thúc câu chuyện với số phận của hai con vật. Không thể để con hổ Tai Tròn chết vì viên đạn của người thợ săn. Cũng không thể để con dê Tuyết Trắng nhào ra trước mũi súng của người thợ săn để hứng đạn thay cho người bạn khác giống của mình. Không, chẳng con nào chết hết! Tại sao chúng không thể sống tiếp và rốt cuộc được ở bên nhau. Tụi mình được quyền viết thế kia mà!
Đó là câu nói da diết của cái Tí sún đa cảm. Cảm động làm sao! Và còn hơn nữa, câu chuyện tưởng là vu vơ mang tính trẻ nít hóa ra lại khai đề cho mối tình thầm của cu Mùi - tác giả “tôi” với cô bé Tủn. Tủn và cu Mùi, hai bạn trẻ đã đi ngang qua cuộc đời nhau. Và đâu có thể ngờ, như một định mệnh, nỗi ám ảnh của tuổi lên tám gắn liền với sự chia lìa, nhưng lại tồn tại ở họ một niềm tin: không có gì vĩnh viễn mất đi cả, nghĩa là vẫn tồn tại như một sự phục sinh sau khi chết.
“Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”. Đó là lời đề từ ở đầu cuốn truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Tôi, một ông già đã ở tuổi bát thập, may mắn thay, hạnh phúc thay, đã được trở lại tuổi lên tám khi đọc cuốn sách này của một nhà văn được bạn đọc hôm nay rất yêu mến và ngưỡng mộ.
Bình luận (0)