Tháng thứ 3 thai kỳ thì bất ngờ, biến cố ập tới khi mẹ bầu bắt đầu bị đau bên vú phải, có dấu hiệu của ung thư. Ban đầu, chị cũng chỉ nghĩ đơn giản là mình bị viêm tuyến sữa nhưng ngực chị ngày một đau nhức. Bầu càng to, khối u ở ngực càng phát triển khiến chị không thể nằm ngủ bình thường. Mang thai ở tháng thứ 7, chị Vân đau tới mức phải ngủ ngồi.
"Lúc đó, mình cũng linh cảm ngực mình có vấn đề. Đau đớn là vậy, nhưng nghĩ tới ngày sắp được gặp em bé, lúc đó không hiểu sức mạnh ở đâu lại nhiều đến vậy. Mình quyết sinh con ra, rồi mới đi xét nghiệm", người mẹ nhớ lại.
Vì con mà chiến đấu
Tháng 10.2021, sinh con được 9 ngày, 2 vợ chồng chị Vân gửi em bé ở nhà cho ông bà cùng các bác chăm nom để đi khám ở Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Hà Nội). Dù chuẩn bị sẵn tâm lý, nhưng khi cầm kết luận bị ung thư vú di căn hạch nách giai đoạn 3C, chị suy sụp, hoảng loạn.
Lúc đó, bao nhiêu suy nghĩ tiêu cực hiện ra trong đầu chị. Chị khóc lóc, lòng trách tại sao căn bệnh lại đến với mình. Nghĩ tới con còn đỏ hỏn, chị sợ rằng mai đây mình vĩnh viễn không còn tồn tại trên đời này, thì con phải sống sao.
Sau 2 ngày chìm đắm trong tuyệt vọng, người mẹ 2 con tự vực dậy tinh thần, bắt đầu chiến đấu với bệnh tật. Từ đây, chị xem hành trình chiến đấu với ung thư là một khóa học, mà ngày chị khỏe mạnh ra viện, cũng là ngày chị chính thức "tốt nghiệp".
Để điều trị bệnh, chị phải uống thuốc cắt sữa. Với người làm mẹ như chị, chỉ một mong ước nhỏ nhoi là được cho con bú cũng không thể nào làm được, là điều không gì đau đớn bằng. "Không! Mình không thể chết! 2 con thơ nhỏ dại, bố mẹ, anh chị em đang thay mình ngày đêm chăm lo con để mình có thể yên tâm chữa bệnh cơ mà", chị tự an ủi và xem đó là động lực lớn nhất để có sức mạnh chiến đấu.
TRÂN TRỌNG CUỘC SỐNG HIỆN TẠI
Suốt gần 7 tháng điều trị với 8 đợt hóa chất, 25 lần xạ trị cùng lần phẫu thuật cắt bỏ một bên vú, cuối cùng, chị Vân cũng dần lấy lại được sức khỏe. Nhưng ám ảnh về những ngày đầu truyền hóa chất không ăn uống được, nôn không kiểm soát, đi ngoài liên tục, đau nhức xương khớp đến cùng cực, thậm chí phải cạo trọc đầu… sẽ khiến chị không bao giờ quên.
Tháng 5.2022, chị chính thức "tốt nghiệp" bệnh viện, chỉ còn phải theo dõi sức khỏe đều đặn 3 tháng 1 lần. Bố chị Vân, ông Nguyễn Công Súy (70 tuổi) cùng vợ trong suốt thời gian con gái điều trị bệnh đã hết sức lo lắng, và tập trung chăm sóc cháu gái vừa mới sinh để con gái yên tâm điều trị. "Nhớ nhất có lẽ là hình ảnh bố tôi lấy tổ yến thô về, rồi tỉ mẩn chế biến để mẹ tôi nấu gửi vào bệnh viện cho con gái tẩm bổ. Lúc đó, tôi thấy thương bố mẹ mình quá và tôi nhận ra chính tình thương của gia đình là sức mạnh để tôi vượt qua được biến cố quá lớn này", chị xúc động.
Với ông Súy, cô con gái út của mình thật kiên cường và dũng cảm. Ông tự hào khi con đã không bỏ cuộc, đã chiến đấu cho tới ngày hôm nay. Ông hy vọng con gái sẽ luôn vui khỏe, sống hạnh phúc cùng các con và gia đình.
Đi qua những tháng ngày cùng cực nhất, chị Vân nhận ra sức khỏe là điều quý giá hơn cả. Chị quan tâm tới chế độ ăn uống, tập luyện, lối sống của mình nhiều hơn. Chị cũng trân trọng và dành thời gian cho những người thương yêu của mình.
"Tôi thầm cảm ơn thời gian qua đã giúp tôi nhận ra những điều đó và cũng thấy mình mạnh mẽ như thế nào. Cuộc đời này không ai biết trước được ngày mai sẽ ra sao, vậy nên mọi người ơi, mọi người hãy vui vẻ lạc quan và thật hạnh phúc nhé!", chị nhắn nhủ với những đồng bệnh của mình.
Bình luận (0)