"Đất có lề, quê có thói", cơ quan có quy định là đương nhiên. Hơn nữa quần jeans là trang phục ngoại lai không phù hợp với Việt Nam. Việc này đáng lẽ phải làm từ lâu để góp phần giữ gìn văn hóa và phong tục Việt.
Tôi không phải là người mới lớn nên suy nghĩ bồng bột. Cũng chưa phải già thành ra lẩm cẩm. Tôi ủng hộ việc cấm mặc quần jeans, áo thun nơi công sở không phải vì xuất xứ từ Mỹ mà vì những lý do khác. Cái gì của thiên hạ hay, mình phải tiếp nhận. Thế giới phẳng và hòa nhập nhưng phải gạn đục khơi trong. Quần tây, áo sơ mi là minh chứng cho việc đó. Tôi nghe nói, trước 1975, miền Bắc chưa biết đến quần jeans. Còn miền Nam, các thầy cô giáo cũng không ai mặc quần jeans cả.
Quần jeans, còn gọi là quần bò, là trang phục chủ yếu của nhưng chàng cao bồi chăn bò ở miền viễn Tây nước Mỹ.
Họ cưỡi ngựa như xiếc, bắn súng siêu chuẩn, sẵn sàng đánh nhau và sống theo bản năng. Những người khoái quần jeans, có biết đó là biểu tượng phong trào hippy của giới trẻ nước Mỹ vào những năm 1960? Họ phản kháng cuộc đời bế tắc, chủ trương sống buông thả, ăn chơi sa đọa, bất cần tương lai. Khuyến khích quần jeans là vô tình cỗ vũ cho cách sống trái với những chuẩn mực đạo đức của Việt Nam, có thể gây xáo trộn xã hội.
Chưa kể mặc quần jeans có nhiều cái hại.
Quần jeans không cần ủi và có thể mặc mấy ngày liền. Dù tiết kiệm được ít bột giặt, nước, thời gian nhưng tạo thói quen ở dơ và lười lao động, nên hại nhiều hơn lợi. Dễ hiểu vì sao quần jeans được giới Tây ba lô ưa chuộng vì có thể mặc cả tuần, hôi như cú. Quần jeans chỉ phù hợp với những người lao động nặng, trong môi trường bụi bặm; không nên mặc khi làm việc hành chánh hay phòng lạnh.
Quần jeans có đáy ngắn, còn gọi là quần xệ, khi ngồi thường phơi...đủ thứ, cực kỳ phản cảm. Quần jeans thường mặc chung với áo thun. Nhiều loại ngắn cũn cỡn, hở trước, lòi sau, phơi rốn, khoe mông cho thiên hạ bàn tán.
Có loại áo thun cổ rộng hình trái tim, khoe hơn nửa đôi gò bồng đảo gọi mời, khiêu khích trí tưởng tượng. Chưa kể loại quần jeans rách bươm hay te tua mà nhiều bạn trẻ thích mặc để chứng tỏ sự khác biệt. Cứ như trang phục của những kẻ ăn mày hay sa cơ lỡ vận, không thiết sống. Hồi xưa, nghèo khó cùng cực mới phải mặc quần rách áo vá. Bây giờ, nhiều bạn trẻ giàu có, lại thích mặc áo rách quần xé. Quần áo mới nhưng cứ phải xé cho rách, cắt ống te tua mới sành điệu. Hình như trong suy nghĩ, đó là những người không bình thường.
Quần jeans, áo thun kết hợp với dép lê thì lè phè chính hiệu.
Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh đội tuyển quốc gia của HLV Phan Thanh Hùng năm 2012, nhếch nhác với quần jeans, áo thun, dép lê trở về nước sau thảm bại nặng nề ở AFF cup năm 2012. Trái ngược lại, các tuyển thủ quốc gia dưới thời Calisto đều chững chạc với quần tây áo vest, giày da nên rất tự tin khi giành vô địch AFF năm 2008. Bộ đồ không làm nên thầy tu nhưng cũng phần nào nói lên phần nào tính cách, văn hóa của người mặc.
Mặc quần jeans đi chơi, đi lao động ngoài trời thì được nhưng không phải loại quần rách bươm, cắt xé lổm nhổm hay loại áo thun thiếu vải. Trang phục công sở phải kín đáo, lịch sự; thể hiện sự tôn trọng khi tiếp khách, tiếp dân và văn hóa của từng công ty. Là công bộc của dân thì trang phục không thể se sua, tùy tiện, thoải mái như ở nhà mình, mặc sao cũng được.
Tôi không tẩy chay quần jeans nhưng phản đối sự phá cách tùy tiện và rất đồng tình việc TP.Cần Thơ tiên phong quy định ‘’không mặc quần jeans áo thun các loại nơi công sở’’.
Thiết nghĩ việc làm này cần nhân rộng ra cả nước để góp phần giữ gìn sự nghiêm túc của trang phục người Việt ngày nay, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước.
Bình luận (0)