Mới đây, UBND TP.Cần Thơ ban hành Quyết định số 2346/QĐ-UBND về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, đơn vị sự nghiệp khối nhà nước của TP.Cần Thơ. Đáng chú ý, tại chương 2, điều 3 (về những việc cán bộ, công chức phải làm), có quy định “không mặc quần jeans, áo thun các loại (kể cả nam và nữ)”. Nội dung trên lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận.
Chiều 6.9, ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ, đơn vị tham mưu soạn thảo quy tắc trên cho UBND TP.Cần Thơ, cho biết: “Trước khi soạn thảo, chúng tôi đã có nghiên cứu thì thấy quần jeans có xuất xứ từ các nước châu Âu, dành cho những người lao động để người ta mặc đi lao động, sản xuất hoặc là đi chăn bò, chăn cừu. Cho nên áp dụng vào TP.Cần Thơ và cả VN thì không phù hợp, đặc biệt trong điều kiện kinh tế - xã hội của TP.Cần Thơ, thành phố trực thuộc T.Ư”.
Cho rằng đây không phải là lệnh “cấm” vì trong văn bản hành chính không có dùng từ này, song ông Ba lưu ý “Quy tắc này có quy định về biện pháp chế tài. Thứ nhất là nhắc nhở, thứ hai là không chấp hành thì kiểm điểm, nặng hơn thì xử theo quy định pháp luật”. Trước đó, Sở Nội vụ Cần Thơ cho biết cũng đã gửi bản thảo cho các địa phương và sở ban ngành từ Thành ủy, HĐND, UBND, các ban của HĐND đã lấy ý kiến về bản quy tắc ứng xử, và hầu như không thấy ai phản hồi.
Bình luận về lý do không cho phép mặc quần jeans mà ông Nguyễn Hoàng Ba nêu, nhà thiết kế thời trang Chương Đặng (TP.HCM) cho rằng jeans tuy xuất phát từ nguồn gốc trang phục của người chăn bò, chăn cừu nhưng ngày nay đã trở thành sản phẩm thời trang được chấp nhận, phổ biến và ưa thích và có phần sành điệu. Nó thậm chí được xem là dấu hiệu của một tâm hồn trẻ trung, cấp tiến, thanh lịch và năng động khi người ta biết cách kết hợp nó khéo léo với hình ảnh thường ngày có phần nghiêm trang, cứng nhắc. “Việc hạn chế một loại trang phục như jeans cần phải có sự thấu đáo hài hòa, chi tiết và thuyết phục hơn để tránh những cảm giác áp đặt vì không thể kiểm soát”, nhà thiết kế này nói.
Ngoài nội dung không cho mặc quần jeans, áo thun các loại, quy tắc trên còn quy định nhiều việc - nhóm việc cán bộ công chức không được làm như không được hút thuốc lá nơi công sở, không sử dụng đồ uống có cồn, quảng cáo, mời gọi để mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ có tính chất kinh doanh... trong giờ làm việc. Ngoài ra có 7 mục việc cán bộ, công chức phải làm như trong giao tiếp ứng xử phải ân cần, niềm nở, biết lắng nghe, hướng dẫn tận tình, ưu tiên giải quyết công việc với người già yếu, bệnh tật, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, sử dụng các từ “xin chào”, “xin lỗi”, “cảm ơn” trong các ngữ cảnh phù hợp.
|
Bình luận (0)