'Cấm rút BHXH 1 lần như đau một lần rồi thôi, nhưng đau kiểu gì, mức nào?'

16/10/2023 19:28 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, quy định về bảo hiểm xã hội (BHXH), nhất là việc không cho người lao động rút BHXH 1 lần, phải đặc biệt quan tâm tới đánh giá tác động chính sách.

Chiều 16.10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án luật BHXH (sửa đổi), sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 khóa XV.

Tại hội thảo này, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật của Liên đoàn Lao động TP.HCM cho hay, thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp lo lắng tình trạng nghỉ việc để rút BHXH 1 lần, phải mời đơn vị đến để tư vấn, phân tích cho người lao động.

Ông Trần Văn Triều nêu quan điểm rằng, nên lựa chọn phương án 1 (đề xuất đóng BHXH sau ngày 1.7.2025 thì không được rút, trừ trường hợp được quy định). Về vấn đề này, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng đặt câu hỏi: "Nếu chọn phương án 1, công nhân ồ ạt nghỉ việc, rút hết BHXH 1 lần thì đại biểu thấy sao ?".

'Cấm rút BHXH 1 lần như đau một lần rồi thôi, nhưng đau kiểu gì, mức nào?' - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật của Liên đoàn Lao động TP.HCM

THU NGÂN

Ông Trần Văn Triều cho hay, theo thống kê của đơn vị, hầu như không người lao động nào chọn nghỉ luôn ở nhà để chờ lãnh BHXH 1 lần, thông thường người lao động sẽ tìm việc hoặc chọn đi làm mà không có hợp đồng lao động.

"Tôi cho rằng chọn phương án 1 như "đau một lần rồi thôi", bởi nếu cho phép rút BHXH 1 lần nữa, như phương án 2 (được rút không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất - PV), thì người lao động vẫn sẽ ồ ạt rút", ông Triều nêu ý kiến.

Bà Ung Thị Xuân Hương (Hội Luật gia TP.HCM) cho rằng 2 phương án về BHXH 1 lần trong dự thảo đều có ưu điểm và nhược điểm. Bản thân bà không ủng hộ rút BHXH 1 lần. Tuy nhiên, bà cho rằng cần đánh giá kỹ tác động chính sách, tránh trường hợp ảnh hưởng hiệu lực quản lý nhà nước như năm 2014, rất đông công nhân ở TP.HCM đã ngừng việc phản đối quy định cấm rút BHXH (điều 60 ở luật BHXH) khiến Quốc hội thông qua Nghị quyết 93/2015 đồng thuận cho người lao động được rút BHXH 1 lần.

'Cấm rút BHXH 1 lần như đau một lần rồi thôi, nhưng đau kiểu gì, mức nào?' - Ảnh 2.

Bà Ung Thị Xuân Hương phát biểu tại hội thảo

THU NGÂN

Đồng thời, khi cấm rút BHXH 1 lần cần phải có các biện pháp đi kèm như có chính sách tín dụng hỗ trợ người lao động khó khăn để trang trải cuộc sống. Cạnh đó, bà Hương cho rằng cơ quan BHXH phải minh bạch nguồn tiền người lao động đóng vào, đảm bảo cho trượt giá, đầu tư sinh lời làm cho mức lương hưu tăng dần lên. 

"Đồng thời cần có chính sách tăng quyền lợi cho người lao động tham gia BHXH", bà Hương nói.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, cũng đồng tình phương án 1. Tuy nhiên ông Nghiệp cho rằng điều quan trọng là cơ quan nhà nước cần quan tâm nâng cao tính ưu việt của chế độ hưu trí với người lao động.

'Cấm rút BHXH 1 lần như đau một lần rồi thôi, nhưng đau kiểu gì, mức nào?' - Ảnh 3.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, nêu ý kiến tại hội thảo

THU NGÂN

Ông Nghiệp dẫn chứng, ở công ty, ông có nhiều công nhân làm việc từ 20 - 30 năm, tham gia BHXH từ năm 1997, đến nay khi nghỉ hưu chỉ nhận được mức 2,8 triệu đồng/tháng vì phải chia đều, "cào bằng" cho toàn bộ thời gian đóng.

"Vì vậy, nếu người lao động thấy rằng ở mức lương hưu đó sống được trong điều kiện hiện nay thì chính sách BHXH mới thu hút, người lao động mới yên tâm", ông Nghiệp nói.

Tuy nhiên, có 2 góc nhìn nghiên cứu của trường đại học cho rằng nên chọn phương án 2. Đơn cử, ý kiến của PGS-TS Đoàn Thị Phương Diệp (Trường Đại học Kinh tế - Luật của Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng nên chọn phương án 2 vì mang tính dung hòa hơn.

Kết luận hội thảo, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho hay, phần lớn các đại biểu ủng hộ phương án 1, có 2 đại biểu ủng hộ phương án 2. Tất cả đều mong muốn việc bao phủ BHXH trong toàn dân và làm sao người dân có được chế độ hưu trí ổn định cuộc sống khi về hưu.

Tuy nhiên, theo bà Tuyết, thực tiễn có nhiều vấn đề cần cân nhắc, nhất là trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay. Thế nên, bà cho rằng điều quan trọng là đánh giá tác động của ngành LĐ-TB-XH nếu áp dụng 1 trong 2 phương án này.

'Cấm rút BHXH 1 lần như đau một lần rồi thôi, nhưng đau kiểu gì, mức nào?' - Ảnh 5.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng cần phải đánh giá kỹ hơn tác động của chính sách với người lao động

THU NGÂN

Cụ thể, bà Tuyết đặt câu hỏi: "Nếu chọn phương án 2 thì cơ quan BHXH sẽ chuẩn bị bao nhiêu tiền để trả. Số tiền đó chiếm bao nhiêu % quỹ và có bảo đảm chi không hay ngân sách phải hỗ trợ ?"

"Nếu chọn phương án 1 một như kiểu "đau một lần rồi thôi" mà đại biểu nói, thì đau kiểu gì, ở mức độ, ảnh hưởng ra sao ? Mình phải đánh giá ở chỗ đó. Chứ không phải nói xong rồi tới lúc khi luật thông qua là tất cả các cơ quan, xã hội chỉ tập trung hết cho mỗi chuyện rút BHXH 1 lần. Cần đánh giá tác động thật kỹ cái này", bà Tuyết cho hay.

Vị đại biểu Quốc hội cũng nêu thực tế rằng mỗi lần đề cập đến BHXH 1 lần, câu chuyện đầu tiên được bàn luận không phải là quyền lợi của người lao động được bảo vệ như thế nào mà là lo vỡ quỹ.

"Cách mà chúng ta thuyết phục người lao động tiếp tục tham gia BHXH cần phải nói khía cạnh khác hơn là chuyện vỡ quỹ. Không cho người lao động rút 1 lần hay không áp dụng chế độ nào đó với lý do vỡ quỹ là không phù hợp. Bởi chuyện vỡ quỹ hay không là do Chính phủ và BHXH tính toán, tự cân đối, chịu trách nhiệm chứ không phải người lao động đặt vấn đề này", bà Tuyết nhấn mạnh.

Cách mà chúng ta thuyết phục người lao động tiếp tục tham gia BHXH cần phải nói khía cạnh khác hơn là chuyện vỡ quỹ

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM

Qua đó, bà Tuyết cho rằng cần thiết kế chính sách phù hợp để quỹ BHXH đảm bảo đủ quyền lợi của người tham gia; tính toán mức đóng lương hưu để người lao động an tâm sống khi hết độ tuổi lao động...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.