Trước tình trạng nhiều nơi sốt đất ảo hay phân lô bán nền diễn ra rầm rộ, mới đây Sở TN-MT Hà Nội đã có văn bản gửi các quận, huyện, thị xã yêu cầu kiểm tra, báo cáo việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng từ đầu năm 2017 đến hết tháng 1.2022 đối với các thửa đất có diện tích lớn hơn 500 m2 đã được UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Sở TN-MT Hà Nội cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan việc chia tách thửa đối với đất nông nghiệp; đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
Ngay tuần cuối tháng 3, UBND TP.Đồng Xoài (Bình Phước) cũng ban hành công văn hỏa tốc tạm dừng tách thửa đối với các thửa đất nông nghiệp và tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Còn UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ xin chuyển mục đích của hộ gia đình, cá nhân, nghiêm cấm việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất nằm ngoài khu dân cư hiện có...
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty GIBC, nhận định nhiều cơn sốt đất trên thị trường BĐS vừa qua do các nhà đầu tư giao dịch lướt sóng qua nhiều vòng hay truyền thổi thông tin với nhau. Giao dịch các BĐS với giá trị thấp từ 2 - 3 tỉ đồng trên thị trường là rất nhiều. Với nhóm người này, dòng vốn tự có khá cao hoặc có thể vay NH với mục đích tiêu dùng, hoặc thậm chí là hộ kinh doanh, DN nhỏ vay cho kinh doanh sản xuất. Vì vậy, việc siết dòng vốn từ các nhà băng chảy vào BĐS chỉ ảnh hưởng đến các chủ đầu tư phát triển dự án mà chưa ảnh hưởng nhiều đến nhà đầu tư cá nhân.
Để hạn chế các đợt tăng giá ảo trên thị trường BĐS, cần phải có thêm nhiều giải pháp đồng bộ như siết hoạt động phân lô tách thửa; đánh giá lại các quy hoạch về đất nông nghiệp, phi nông nghiệp hay các khu đô thị và từ đó công khai về quy hoạch và công bố quy hoạch rõ ràng. Hay kiểm soát chặt mục đích chuyển đổi sử dụng đất và từ đó sẽ đánh thuế nặng các dự án sau chuyển đổi vẫn không khai thác. Đồng thời, phải bổ sung các quy định về việc chỉ chấp nhận giao dịch BĐS thông qua môi giới chuyên nghiệp để hạn chế giao dịch tự phát...
Ông Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định việc siết dòng vốn từ ngân hàng hay qua kênh trái phiếu có thể khiến giá đất nhiều nơi sụt giảm. Nhưng giá BĐS ở các thành phố sẽ khó, đặc biệt tại TP.HCM. Bởi từ nhiều năm nay, những dự án BĐS tại TP.HCM ngưng triển khai dự án mới, nguồn cung BĐS ít. Vì vậy, Chính phủ cũng cần nghiên cứu đến việc phát triển nhà ở xã hội để cải thiện nguồn cung BĐS. Nguồn cung được cải thiện cũng sẽ góp phần giải quyết bài toán lệch pha cung cầu, giúp hạ nhiệt giá BĐS.
Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cũng đã nhiều lần gửi công văn đề nghị tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để “tháo” cho nhiều dự án BĐS giúp làm tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở cho thị trường, xử lý tình trạng khan hiếm nhà ở, mất cân đối cung - cầu nhà ở. Chẳng hạn theo HoREA, do quy định của khoản 4 điều 23 luật Nhà ở 2014 nên trong 5 năm (từ tháng 7.2015 - 12.2020), chỉ có một số rất ít dự án nhà ở thương mại đáp ứng được điều kiện có 100% đất ở được công nhận chủ đầu tư, chỉ chiếm khoảng 1% tổng số dự án nhà ở thương mại, còn lại khoảng 99% số dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (gồm “đất ở và đất khác không phải là đất ở”), hoặc có “đất nông nghiệp”, hoặc có “đất phi nông nghiệp không phải là đất ở” thì lại không được công nhận chủ đầu tư, dẫn đến thị trường bị thiếu nguồn cung dự án nhà ở dẫn đến thiếu sản phẩm nhà ở và làm cho giá nhà tăng liên tục trong 5 năm qua...
Bình luận (0)