Đừng để thị trường bất động sản thêm méo mó

08/04/2022 04:13 GMT+7

Đất trồng cây lâu năm , đất ruộng, đất nuôi trồng thủy sản... đều được rao bán, sang nhượng, giá đẩy lên trời.

Ở khắp các tỉnh, thành thông tin về cơn sốt đất, giới đầu tư gom hàng lan truyền khiến cho ai cũng cảm thấy vội vã, gấp gáp. Nhưng có một thực tế mà nhiều người đang tìm cách “giấu nhẹm” đi là mua thì dễ song muốn bán lại vô cùng khó khăn.

Chị B.Đ (ngụ Q.7, TPHCM) cho biết thấy đất sốt khắp nơi, chị cũng nhờ cò bán giúp miếng đất ở Hàm Tân (Bình Thuận) mua từ năm 2019 nhưng gần năm nay vẫn chưa được. Theo lời môi giới, từ hồi xảy ra dịch Covid-19 đất khu vực gần dự án sân bay Phan Thiết sụt giảm mạnh mà rất khó tìm được người mua. Nếu trước dịch, giá 1.000 m2 khoảng gần 1 tỉ đồng thì giờ bán 700 triệu đồng vẫn ế.

Nhóm hơn chục người của chị B.Đ ai cũng sốt ruột, nhưng đều ở xa, mua qua môi giới địa phương nên lúc bán cũng chỉ biết bám víu vào họ. Họ nói sao biết vậy từ giá cả, thời gian, chi phí cho môi giới...

Đó cũng là tình cảnh của anh T.L (ngụ TP.HCM) khi rao bán miếng đất lớn vài héc ta tại H.Cần Giờ (TP.HCM). Cách đây hơn chục năm anh đã đón đầu, mua một khu đất nuôi trồng thủy sản chờ thời. Từ đó đến nay, khu vực này trải qua rất nhiều cơn sốt đất, giá “nghe nói” cũng đẩy lên gấp vài chục lần. Chỉ có điều, khi cần tiền thì không cách nào ra hàng dù anh đã rao thấp hơn so với “giá thị trường”.

Một đầu nậu thừa nhận các dự án phân lô tách thửa ở những vùng “hot” cũng đang phải tìm mọi cách sang nhượng, nhưng thị trường từ năm ngoái tới nay chậm hơn rất nhiều. Thế nên, họ làm đủ trò, từ cài cắm môi giới dụ dỗ, lôi kéo người mua; rỉ tai nhau về sự khan hiếm; tung tin sắp có đại bàng làm tổ đất... để thúc giục khách xuống tiền. Người mua trước tìm cách thu hồi vốn, người trót ôm hàng cũng kiếm đường thoát. Tâm lý chung thì ai cũng sợ làm “trùm cuối”, ôm đất chôn vốn vô thời hạn.

Nguy cơ này lại lớn hơn khi giờ đây một loạt các giải pháp mạnh tay chặn sốt ảo đang được triển khai: nhiều tỉnh, thành đã chính thức cấm phân lô bán nền; một số địa phương thậm chí tạm ngưng sang nhượng sổ đỏ; cơ quan thuế đang siết chặt kê khai tính thuế sang nhượng bất động sản; các nhà băng hạn chế tín dụng vào lĩnh vực này; đất nông nghiệp thì càng rủi ro vì rất khó chuyển lên đất ở; những thông tin về dự án lớn, quy hoạch đường sá, cầu cống hầu hết đều được công khai…

Thế nên, cuộc nóng sốt lúc này không ngoại trừ một phần rất lớn là kế “tẩu thoát” của những người mua sớm.

Nhưng dù sốt ảo hay sốt thật, thị trường bất động sản đang bị méo mó. Giá nhà đất ngày càng bị đẩy lên cao, xa dời mức sống, thu nhập của đại bộ phận người dân. Trong khi đó, một nguồn lực khổng lồ lại bị lãng phí khi ruộng đồng hoang hóa, núi đồi không canh tác, những khu đô thị không người ở.

Được ví “tấc đất, tấc vàng”, nhưng một khối lượng lớn tài nguyên quý giá đang không tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, cho đất nước. Đó chính là vấn đề cần được đặt ra và giải quyết căn cơ, thay vì chỉ dập từng cơn sốt nhỏ. Còn giải quyết như thế nào thì đã có rất nhiều đề xuất, kiến nghị từ các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, bộ ban ngành lên tiếng, thiết nghĩ cũng không cần nói thêm.

Dập sốt đất không dễ, nhưng không phải là không thể. Quan trọng là chúng ta có thực sự muốn làm hay không mà thôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.