Thành phố Hội An là địa phương đầu tiên ở Quảng Nam nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức nhận phong bì của doanh nghiệp khi thực thi công vụ.
|
“Đâu phải làm thuê cho doanh nghiệp mà nhận tiền ?”
Tuyệt đối cấm cán bộ, công chức, viên chức nhận phong bì của các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan khi thực thi công vụ, như Thông báo số 326-TB/TU của Thành ủy Hội An nêu, đang làm dư luận quan tâm. Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An khẳng định chủ trương này đã áp dụng từ nhiều năm trước, khi ông còn làm Chủ tịch UBND TP.Hội An. Ban đầu chỉ mang tính thông báo nội bộ trong các cơ quan, ban ngành địa phương, nhưng rồi vẫn thấy còn rơi rớt vài vụ việc nên bây giờ phải thông báo cấm tiệt.
“Cấm thẳng chứ không phải vận động “nói không”. Cán bộ công chức đâu phải là người làm thuê cho doanh nghiệp mà đi nhận tiền của họ? Trách nhiệm công chức là phục vụ dân, sao lại đi lấy tiền của dân? Cái bất thường đó lâu ngày biến thành cái bình thường, và do mình không làm quyết liệt nên biến thành thói quen”, ông Sự quyết liệt.
|
Một loạt “vùng cấm” được lãnh đạo TP.Hội An liệt kê cụ thể: không nhận phong bì khi hội họp để thông qua phương án, dự án thiết kế, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình xây dựng cơ bản; thanh tra giám sát tại doanh nghiệp, cơ sở...
“Kiểm tra xác minh thấy đúng, chúng tôi xử liền”
Câu hỏi cắc cớ đặt ra là không chỉ có mỗi “hình thức” bồi dưỡng bằng phong bì. Liệu người ta cho tiền vào bao ni lông, va li, hoặc “chuyển” sang quà tặng có giá trị vật chất lớn... thì làm sao xử lý cho xuể? Ông Kiều Cư, Phó bí thư thường trực Thành ủy Hội An, người trực tiếp ký Thông báo 326, nhìn nhận rằng khi chưa có chế tài cụ thể, trước mắt vận động anh em cán bộ làm tốt đã, sau khi thành nếp rồi thì mở rộng ra bên ngoài...
Với ông Nguyễn Sự, hình thức bồi dưỡng bằng vật chất đã không còn “công khai” như phong bì, khó xử lý hơn và xem như đã rẽ sang khía cạnh khác của câu chuyện hối lộ, phải được điều chỉnh bằng hàng loạt chế tài khác. Theo ông Sự: “Ngoài chuyện ý thức cá nhân, còn giao cơ quan đơn vị giám sát quản lý, tạo các mối ràng buộc lẫn nhau kiểu như nhân viên vi phạm thủ trưởng phải chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp hay người dân mà báo tin, cũng xử lý ngay. Không cần đơn thư, thậm chí chỉ qua một cuộc điện thoại, tin nhắn... Nếu kiểm tra xác minh thấy đúng, chúng tôi xử liền!”.
Nhiều cán bộ cấp tỉnh tỏ ý tránh né khi chúng tôi đề nghị bình luận về chủ trương “cấm phong bì” của Hội An. Phần lớn giải thích là ngại đụng chạm đến lĩnh vực khá tế nhị, sợ dư luận cho là cố tình đánh bóng tên tuổi quanh câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này. Với ông Sự, chúng tôi hỏi thẳng: “Ông có sợ thiên hạ đàm tiếu và rốt cuộc chuyện “cấm phong bì” chỉ là hình thức?”. Ông Sự cũng trả lời thẳng: “Tôi biết người ta sẽ nói điều này. Bởi đã có những thông báo rất “kêu”, những quy định rất “hay” nhưng cuối cùng dừng trên giấy. Nhưng mình kiên quyết làm, được chừng nào hay chừng nấy. Tôi không hy vọng, tham vọng hay ảo tưởng rằng tình trạng phong bì sẽ “sạch bóng”. Nhưng tôi tin cách làm của Hội An sẽ kéo giảm tối đa”.
Trong cuốn Việt Nam phong tục (biên khảo nổi tiếng của Phan Kế Bính về các phong tục của VN) có nhắc đến “lệ kính biếu”. Đó là chuyện lệ làng, biếu xén các loại quà... bị cụ Phan Kế Bính phê là “một tục rất nhảm”. “Hễ được biếu thì lấy làm vinh, mà không được thì lấy làm sỉ nhục. Chẳng những bọn ngu si tranh giành nhau từ quả cau miếng trầu, mà dẫu đến người có học thức cũng chưa khỏi được tranh hơi tranh khí với đám hương thôn, ấy cũng là một thói xấu vậy”. |
Hứa Xuyên Huỳnh
>> Nhiều đảng viên, công chức, viên chức sinh con thứ 3 trở lên
>> Cán bộ, công chức phải biết tôn trọng người dân
>> Công chức Hội An đi làm bằng xe đạp
>> Quảng Ngãi xử lý kỷ luật hơn 100 công chức, viên chức
Bình luận (0)