Cấm tiệt xe giường nằm vào nội đô TP.HCM, được không?

25/05/2023 10:19 GMT+7

'Tình hình ổn định hơn trước' là cụm từ được người dân trông chờ nhất sau hơn 4 tháng cấm xe giường nằm vào nội đô TP.HCM từ 6 - 22 giờ, dù vẫn còn nhiều việc phải làm.

Đề xuất cấm xe giường nằm cả ngày lẫn đêm vào nội đô mới đây của Sở GTVT TP.HCM được người dân đồng tình, doanh nghiệp vận tải chân chính hưởng ứng. 

Bởi lẽ, đa số người dân đều không muốn chứng kiến cảnh những chiếc xe khách to đùng len lỏi trong đô thị vốn đã chật chội xe cộ. Hơn nữa, các bến xe đã được di dời ra khỏi nội thành thì không hà cớ gì cứ mãi dung túng cho xe khách cỡ lớn đón trả khách bên trong nội đô.

Có thể trong ngắn hạn, một bộ phận nhỏ hành khách sẽ cảm thấy bất tiện vì phải đi xa hơn, chờ lâu hơn để ra bến xe ngoại thành. Đó là trách nhiệm của nhà xe, doanh nghiệp vận tải cần tổ chức thêm xe trung chuyển đưa đón khách, cũng là nâng cao chất lượng phục vụ, sự thân thiện với "thượng đế" của mình.

Nhà nước không thể làm thay chuyện đó. Có chăng là tổ chức thêm nhiều tuyến xe buýt đến các bến xe để tạo thuận tiện hơn cho người dân, đương nhiên cũng phải theo quy luật cung cầu của thị trường.

Cấm tiệt xe giường nằm vào nội đô, được không? - Ảnh 1.

Xe khách giường nằm đón trả khách trên đường Lê Hồng Phong, Q.5, TP.HCM hồi cuối năm 2022

NGUYÊN VŨ

Nhìn lại đề xuất của Sở GTVT về mở rộng khung giờ cấm xe giường nằm vào nội đô TP.HCM, đó là một lộ trình đã được dự liệu từ trước. Tại thời điểm tháng 12.2022, khi trả lời báo chí về đề xuất cấm xe giường nằm, lãnh đạo ngành giao thông vận tải đã nêu 2 giai đoạn: cấm theo khung giờ 6 - 22 giờ và sau đó là cấm toàn thời gian. Hơn 4 tháng theo dõi là quãng thời gian đủ để đánh giá mặt tích cực, tiêu cực của phương án lập vành đai cấm xe giường nằm vào nội đô.

Điều mong chờ nhất đối với người dân, đó là nhận định "tình hình đã ổn định hơn so với trước" của Sở GTVT. Điều này đồng nghĩa với việc đường phố bớt đi những nguy cơ hiểm họa rình rập, bớt kẹt xe, giao thông bớt lộn xộn...

Lập vành đai cấm xe giường nằm thôi chưa đủ, bởi không ít nhà xe vẫn tìm cách lách luật, thậm chí coi thường pháp luật để "xâm nhập" vào nội đô tiếp tục đón trả khách. 

Không khó để nhận diện những ổ "xe dù bến cóc" mới phát sinh, mà điển hình như bãi xe số 39 tại khu vực giao lộ quốc lộ 1 - đường số 7 - đường số 18 (Q.Bình Tân), hay khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, trạm xăng dầu Tam Bình, trạm xăng dầu Hùng Nghĩa trên quốc lộ 1 (TP.Thủ Đức).

Những lỗ hổng này phải được bịt lại ngay bằng sự quyết liệt, mẫn cán của lực lượng thực thi công vụ đảm trách trật tự an toàn giao thông, mà cụ thể là công an và thanh tra giao thông. 

Con số 51 trường hợp bị xử phạt trong hơn 4 tháng là con số đáng suy nghĩ, bởi nếu chia ra thì mỗi tháng lực lượng chức năng của TP.HCM chỉ xử phạt hơn 11 trường hợp.

Không ít ý kiến cho rằng việc xử phạt như vậy chưa tương xứng với mức độ vi phạm của các nhà xe, nhất là khi phát hiện lỗi vi phạm này không khó, chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy được.

Ủy ban MTTQ Việt Nam, công an, Ban An toàn giao thông và một số doanh nghiệp, hiệp hội vận tải hành khách tại TP.HCM sẽ cho ý kiến về việc cấm xe giường nằm vào nội đô 24/24 giờ, trước ngày 30.5. 

Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Sở GTVT báo cáo UBND TP.HCM quyết định chính thức. Nếu thành phố cấm xe giường nằm vào nội đô cả ngày lẫn đêm mà các lực lượng chức năng vẫn đủng đỉnh, thong dong, không quyết liệt xử lý vi phạm thì nguy cơ hiểm họa giao thông vẫn rình rập người dân mỗi giờ.

TP.HCM tiết kiệm được hơn 2,4 tỉ đồng tiền điện mỗi ngày

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.