Cấm và thả

06/11/2013 03:00 GMT+7

Ngày càng nhiều đề xuất "cấm" , "siết" vô lý được các cơ quan có thẩm quyền đưa ra trong khi những cái "thả" mới thực sự gây hậu quả nghiêm trọng.

Với lý do chống đô la hóa, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cấm người dân được cho, tặng ngoại tệ trong khi giải pháp hữu hiệu hơn là cấm niêm yết giá sản phẩm, dịch vụ bằng ngoại tệ vẫn bị vi phạm khắp nơi.

Không khó để tìm thấy các cửa hàng bán mỹ phẩm, cho thuê phòng, bán tour ngoại... vẫn niêm yết giá bằng USD trên thị trường.

Tương tự, tình trạng xây dựng trái phép, những dự án "mọc" thêm tầng, các công trình "ăn" cả hạ tầng công cộng nhan nhản khắp nơi nhưng Bộ Xây dựng lại đề xuất cấm xây dựng nhà theo kiến trúc cổ điển Pháp, cấm nhà ở kinh doanh nhà nghỉ... để quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc.

Nghịch lý cấm, thả cũng hiện diện trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Các loại "tà dược" ép chín trái cây, hóa chất hô biến khô cá ba sa thành khô cá dứa, măng ngâm hóa chất, hủ tiếu gây sỏi thận... tràn lan khắp nơi khiến người dân kinh sợ. Nhưng thay vì quản lý chặt tình trạng sử dụng hóa chất, chất cấm trong nuôi, trồng, chế biến thực phẩm, cuối năm ngoái, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn lại ra quy định cấm bán thịt sau 8 tiếng giết mổ để bảo vệ an toàn thực phẩm. Rồi thì cấm tặng quà, cấm đám cưới quá 50 mâm, cấm để ô kính trên nắp quan tài... Có thể thấy, cấm đã trở thành giải pháp tối thượng cho các cơ quan khi quản lý không nổi. Tất nhiên, nhiều quy định cấm vô lý đã được chính đơn vị ban hành rút lại nhưng nó cho thấy, sự tùy tiện trong việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật. Sự yếu kém và lạc hậu trong tư duy quản lý.

Bên cạnh cấm, hàng loạt các quy định siết “trời ơi” cũng được đưa ra. Gần đây nhất là siết hoàn thuế GTGT đối với các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản trong khi nghi án trốn thuế của các đại gia nước ngoài thông qua hình thức chuyển giá đặt ra nhiều năm nay vẫn thả nổi. Trước đó, từ 1.7, quy định kiểm tra lấy mẫu chất lượng tất cả các lô hàng nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi nhập khẩu khiến các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi kêu trời vì phát sinh hàng tỉ đồng tiền phí. Trong khi từ rau, củ, quả cho đến các mặt hàng nông sản thế mạnh của chúng ta vẫn được nhập lậu vào thị trường nội địa với số lượng lớn. Thông tin một ngày có tới 4.000 con bò được nhập tiểu ngạch vào VN mà một lãnh đạo Cục Chăn nuôi tiết lộ mới đây khiến dư luận tá hỏa. Còn đường chính ngạch, chỉ riêng bò Úc, trong 9 tháng đã nhập 32.500 con, chưa kể thịt đông lạnh. Vậy cái cần siết là tình trạng nhập lậu đang hoành hành ở các cửa khẩu hay tăng phí, tăng giá thức ăn chăn nuôi cho chuồng trại ngày càng teo tóp của người nuôi, trồng trong nước?

Phí, lệ phí vẫn được "đẻ" ra ở khắp nơi, khắp các lĩnh vực; thủ tục hành chính tiếp tục làm khó doanh nghiệp; giá sữa bị thổi lên trời; hàng giả - hàng lậu hoành hành đánh bật hàng trong nước; sản phẩm - dịch vụ độc quyền mập mờ giá cả, chất lượng gây áp lực lên cuộc sống vốn đã khó khăn của người dân... rất nhiều vấn đề cần siết, cần cấm nhưng lại bị thả nổi hoặc làm không tới.

Giá mà những lệnh cấm được các cơ quan có thẩm quyền sử dụng trong những vấn đề đang được thả nổi hiện nay thì tốt biết bao.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.