Cần 90 tỉ xây lại gần 500 m bờ kè kênh Thanh Đa sạt lở

03/08/2023 12:39 GMT+7

Sau hơn 1 tháng bờ kè Thanh Đa bị sạt lở khiến 15 hộ dân phải di dời khẩn cấp trong đêm, Sở GTVT TP.HCM đề xuất chi 90 tỉ đồng xây dựng lại bờ kè.

Ngày 3.8, Sở GTVT đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương xây dựng kiên cố bờ kè Thanh Đa - Đoạn 1.1 với chiều dài 478 m, phạm vi giải tỏa mặt bằng 10 m tính từ đỉnh kè vào phía bờ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 90 tỉ đồng.

Dự án sẽ xây dựng kè kiên cố thay thế kè hiện hữu, hệ thống thoát nước và khuôn viên cây xanh. Tổng kinh phí nêu trên chưa bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Cần 90 tỉ xây lại gần 500 mét bờ kè kênh Thanh Đa sạt lở

Công trình bờ kè Thanh Đa - Đoạn 1.1 dài 478 m được xây dựng năm 2007, hoàn thành năm 2008. Sau 15 năm sử dụng, công trình bắt đầu xuống cấp. Hồi cuối tháng 6.2023, một đoạn bờ kè Thanh Đa dài khoảng 120 m bị hư hỏng, sạt lở. 15 hộ dân phải di dời khẩn cấp trong đêm.

Cần 90 tỉ xây lại gần 500 m bờ kè kênh Thanh Đa sạt lở - Ảnh 1.

Bờ kè Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bị sạt lở khiến 15 hộ dân phải di dời khẩn cấp

TRẦN DUY KHÁNH

Khảo sát của Sở GTVT TP.HCM đánh giá hiện trạng khu vực quan trắc có hiện tượng nhà dân bị lún sụt, nghiêng, hệ thống lan can, cột đèn đỉnh kè bị nghiêng, xô ngang và biến dạng. Khoảng 10 m phía sau đỉnh kè trong khu vực nhà dân đang sinh sống xuất hiện vết nứt, bề rộng vết nứt tại vị trí lớn nhất là 10,6 cm.

Đối chiếu với các quy chuẩn hiện hành, cơ quan chức năng xác định bờ kè không đạt hệ số an toàn, nền tiếp tục sụt lún, trượt ra phía sông.

Về nguyên nhân sạt lở, Sở GTVT TP.HCM cho hay thời điểm xảy ra sụt lún là mùa mưa bão, có mưa lớn nhiều ngày, kết hợp với việc không có hệ thống thoát nước trong khu vực dân cư sau kè khiến cho nước thoát chậm, ngập úng làm cho đất phía sau kè bão hòa nước, gây ra chênh mực nước lớn khi thủy triều kiệt, làm gia tăng áp lực ngang lên kè.

Ngoài việc đầu tư xây dựng mới bờ kè Thanh Đa bị sạt lở, Sở GTVT cũng kiến nghị UBND TP.HCM giao Q.Bình Thạnh tiếp tục rào chắn khu vực sụt lún không cho người dân đi lại để đảm bảo an toàn, chuẩn bị công tác bồi thường với bề rộng từ đỉnh kè đến hẻm gần với tuyến kè nhất, và bề rộng này phải tối thiểu 10 m.

Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng đề xuất UBND TP.HCM giao Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM cập nhật vị trí sạt lở trên vào danh mục các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.