Cần áp dụng biện pháp dẫn giải nhân chứng

02/07/2014 14:30 GMT+7

Thiết nghĩ, để đảm báo tính nghiêm minh của luật pháp trong quá trình xét xử vụ án hình sự 5 công an dùng nhục hình làm chết nghi phạm ở Phú Yên, viện kiểm sát, hội đồng xét xử cần phải áp dụng biện pháp dẫn giải nhân chứng, bất kể người bị triệu tập, dẫn giải đó là ai.

Thiết nghĩ, để đảm báo tính nghiêm minh của luật pháp trong quá trình xét xử vụ án hình sự 5 công an dùng nhục hình làm chết nghi phạm ở Phú Yên, viện kiểm sát, hội đồng xét xử cần áp dụng biện pháp dẫn giải nhân chứng, bất kể người bị triệu tập, dẫn giải đó là ai.

Cần áp dụng biện pháp dẫn giải nhân chứng
Các bị cáo tại tòa - Ảnh: Đức Huy

Một lần nữa phiên tòa xét xử phúc thẩm 5 công an viên dùng nhục hình làm chết nghi phạm sáng 24.6 tại tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên lại phải tạm hoãn do nhiều nhân chứng vắng mặt. Trong số này, nhân chứng quan trọng nhất là phó trưởng công an thành phố Tuy Hòa, thượng tá Lê Đức Hoàn. Theo luật sư bên bị hại, sự vắng mặt của các nhân chứng có thể làm ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ án nên bắt buộc các nhân chứng phải có mặt tại phiên tòa theo luật định.

Còn nhớ, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vào sáng 26.3, có đến 16 nhân chứng vắng mặt. Phiên xử trước đó vào ngày 10.3 Hội đồng xét xử cũng đã phải tạm hoãn phiên tòa vì vắng tới 19 nhân chứng trong tổng số 23 nhân chứng. Hầu hết nhân chứng của vụ án là cán bộ, chiến sĩ công an thành phố Tuy Hòa. Nhân chứng “quan trọng” cũng vắng mặt là thượng tá Lê Đức Hoàn, Phó trưởng công an thành phố Tuy Hòa, trưởng Ban chuyên án 312T, là người chỉ huy toàn bộ chuyên án bắt và tổ chức hoạt động điều tra đối với nạn nhân Ngô Thanh Kiều.

Có thể thấy rõ sự cố tình vắng mặt của các nhân chứng tại phiên tòa phúc thẩm sáng 24.6 bởi các nhân chứng này đã được hội đồng xét xử triệu tập nhiều lần. Đây không chỉ là hành động xem thường luật pháp, coi khinh “trát” lệnh của tòa án mà còn khiến gia đình bị hại, những người đang quan tâm, theo dõi phiên tòa hết sức bức xúc.

Dư luận có quyền nghi ngờ về sự “khinh thường” luật pháp, tiếp tục vắng mặt của các nhân chứng trong phiên tòa phúc thẩm, trong đó có nhân chứng đang là người có chức vụ, quyền hạn và là người đại diện cho luật pháp của Nhà nước.

Tôi tin chắc rằng nếu nhân chứng là một người dân bình thường, không có chức vụ quyền hạn thì sẽ không có chuyện phiên tòa bị tạm hoãn nhiều lần do nhân chứng vắng mặt mà chắc chắn sẽ bị dẫn giải theo quy định. Sự việc cũng cho thấy vẫn còn có sự “cả nể”, “e ngại” của những người đang thực thi công bằng luật pháp… 

Theo quy định của pháp luật Tố tụng hình sự (Điều 192) trong trường hợp người làm chứng được triệu tập cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì có thể ra Quyết định dẫn giải. Thủ tục dẫn giải người làm chứng thực hiện theo quy định tại Điều 134 của Bộ luật này.

Khoản 1 của Điều 134 về “Dẫn giải người làm chứng” quy định: “Trong trường hợp người làm chứng đã được cơ quan điều tra, viện kiểm sát triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc họ vắng mặt gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố xét xử thì cơ quan đã triệu tập người làm chứng ra quyết định dẫn giải”.

Thiết nghĩ, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và sự khách quan trong quá trình xét xử, Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử cần thiết phải mạnh dạn áp dụng biện pháp dẫn giải nhân chứng, bất kể người bị triệu tập, dẫn giải đó là ai đi chăng nữa.

Điều này không chỉ thể hiện tính nghiêm minh và công bằng của pháp luật Việt Nam mà còn xây dựng niềm tin cho người dân đối với chính quyền, nhà nước do dân và vì dân.

 Nguyễn Đước (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, chuyên viên pháp lý đang sống và làm việc tại TP.HCM

>> Mở lại phiên tòa xử vụ công an dùng nhục hình làm chết người
>> Xét xử vụ 5 công an dùng nhục hình làm chết người: Bị cáo Thành không nhận tội, kêu oan
>> Vụ án 5 cựu sĩ quan công an dùng nhục hình: Các nhân chứng quên nhiều, nhớ ít

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.