Đứa nhỏ học lớp 2 về kể với mẹ sáng đầu tuần trường tổ chức chơi vui lắm, có cuộc thi 'giấu mặt'.
Con kể là từ phía trong sảnh, một trong những “ca sĩ” của trường cất giọng hát, học sinh toàn trường sẽ đoán tên “ca sĩ”.
Ai đoán trúng sẽ lên sân khấu nhận quà. Con kể tiếp: “Một bạn lớp con mém nhận được quà nếu không nói thật”. Ngạc nhiên, mẹ hỏi tiếp thì con giải thích rằng khi lên nhận thưởng, cô hỏi bạn nói cho các bạn biết vì sao con đoán được “ca sĩ”? Bạn này thành thật nói: “Con ngồi bên hông nên nhìn thấy chị (người hát- PV) trước”. Theo lời con kể, cả trường cười òa, rồi cô giáo nói không trao thưởng vì không đoán được “ca sĩ”. Thế là học sinh này ngại ngùng trở về chỗ.
Nghe con kể chuyện vui mà lòng thiệt buồn.
Tôi chợt nghĩ tại sao các thầy cô giáo lúc bấy giờ không phản ứng nhanh hơn, vẫn trao phần quà cho học sinh này với lý do trung thực, không nói dối? Món quà không bao nhiêu nhưng nhà trường có thể tận dụng cơ hội này giúp học sinh nhận ra giá trị của một trong những đức tính cần thiết của một con người lương thiện - sự trung thực. Từ đây, biết đâu sẽ giúp học sinh này cũng như các học sinh có mặt trong sân trường ngày hôm đó một động lực để sống tốt hơn. Còn với cách ứng xử như đã diễn ra, có thể sẽ là một bài học “cay đắng” cho học sinh này rằng chớ bao giờ nói đúng sự thật. Cứ giả bộ vẽ ra một cái gì đó, dù là nói dối, nhưng sẽ có thưởng! Nhiều lúc người lớn vô tình giáo dục trẻ đi sai đường mà không biết.
Lại nghĩ đến nhiều chuyện khác và nhận ra người lớn chúng ta ít khi chịu lắng nghe, cảm thông và đặt mình vào vị trí của người nhỏ để thấu hiểu. Dù ai cũng từng là trẻ con nhưng khi trở thành cha mẹ, người ta thường quên điều này nên mới áp đặt và bắt trẻ sống thay mình.
Chắc hẳn không ít lần nhiều bậc cha mẹ cằn nhằn, la toáng lên khi đứa con độ 10 tuổi không gấp gọn gàng quần áo, mền gối, quét nhà chưa sạch hoặc lỡ tay làm bể một cái ly, cái chén. Những lúc đó, cha mẹ hay lấy suy nghĩ của một người 30 - 40 tuổi, đã biết cách quản lý gia đình, công việc để áp vào một đứa nhỏ 10 tuổi mà quên rằng ở tuổi ấy mình cũng từng lóng ngóng, vụng về… Bởi thế, có chuyên gia tâm lý kể câu chuyện vui rằng nếu nghe một tiếng xoảng từ trong bếp mà sau đó nghe mẹ la toáng lên thì biết là con gây ra hậu quả, nếu không nghe động tĩnh gì sau đó thì biết là mẹ làm! Người lớn chúng ta còn mắc sai lầm nhưng lại thường không chấp nhận những sơ suất hay sai sót của con trẻ, mà ngược lại hay chì chiết, nặng nhẹ.
Gây áp lực học hành, áp đặt mong muốn của mình lên con trẻ là “căn bệnh” phổ biến của nhiều cha mẹ sống ở đô thị hoặc trí thức. Có người lấy hào quang ngày trước của mình như luôn đứng hàng đầu trong trường, trong lớp; học trường chuyên lớp chọn để gây áp lực cho con. Có người lại bằng mọi cách áp đặt con phải thực hiện những ước mơ ngày trẻ không thực hiện được mà không cần biết con có khả năng, mong muốn hay không.
Chưa biết những kế hoạch, mong muốn chủ quan đó của người lớn có trở thành hiện thực hay không, chỉ biết rằng mất mát, đổ vỡ, tổn thương là không tránh khỏi.
Bình luận (0)