Nói không với giáo dục áp đặt

31/08/2015 07:41 GMT+7

Đổi mới giáo dục phổ thông không phải đợi đến khi có chương trình, sách giáo khoa mới. Ngay từ bây giờ nếu mỗi giáo viên nhìn nhận từng học sinh là một chủ thể của sáng tạo và tôn trọng điều đó thì đã là đổi mới.

Đổi mới giáo dục phổ thông không phải đợi đến khi có chương trình, sách giáo khoa mới. Ngay từ bây giờ nếu mỗi giáo viên nhìn nhận từng học sinh là một chủ thể của sáng tạo và tôn trọng điều đó thì đã là đổi mới.

Đổi mới là phải khơi gợi cho học sinh hứng thú được trình bày cảm xúc, chính kiến
Đổi mới là phải khơi gợi cho học sinh hứng thú được trình bày cảm xúc, chính kiến - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đừng cho rằng “trứng đòi khôn hơn vịt”
Chị H.N, một phụ huynh có con năm nay lên lớp 7 ở Hà Nội, chia sẻ: “Con mới học một năm, mặc dù là trường “điểm” gần sát nhà nhưng gia đình đã phải đưa ra quyết định chuyển con đến một trường ngoài công lập xa nhà”. Nguyên nhân khiến chị phải đưa ra quyết định này vì chỉ sau vài tháng khi học lớp 6, chị nhận được lời mời đến gặp hoặc phản ánh của giáo viên qua điện thoại về cậu con trai “bất trị”. Cô thì phàn nàn con của chị luôn “cãi” lại khi cô đang giảng bài; cô khác thì nói: “Ở đâu có cái kiểu trứng đòi khôn hơn vịt, học sinh tranh luận tay đôi với cô trước mặt các bạn về một kiến thức cô vừa dạy”. Còn cô giáo dạy văn thì tỏ rõ sự không hài lòng cho rằng cả lớp đồng tình với đề cương ôn tập cuối học kỳ của cô, chỉ mỗi con nhà chị phản đối, nói không cần ôn theo đề cương kiểu văn mẫu, sẽ viết theo cách mà em cảm nhận... “Cảm nhận mà không đủ ý thì điểm kém đừng đổ lỗi tại giáo viên”, cô giáo nói giọng trách móc khi “kể tội” con trai chị...
Đưa trải nghiệm sáng tạo vào chương trình mới
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho hay coi trọng, tăng cường và đổi mới tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo của HS trong quá trình giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 12 là một đổi mới căn bản của chương trình giáo dục phổ thông mới. Từng cá nhân HS được tham gia trực tiếp vào các hoạt động thực tiễn khác nhau của đời sống gia đình, nhà trường cũng như ngoài xã hội, qua đó phát triển tình cảm, đạo đức, các kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm riêng và phát huy tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân.
Chị H.N hiểu cá tính của con trai mình, từ nhỏ cháu đã được sống trong gia đình tôn trọng tất cả mọi thành viên, cháu luôn được nêu ý kiến trong các cuộc trò chuyện, bàn bạc các vấn đề của gia đình. Do vậy, cách giải quyết mà chị H.N đưa ra không phải là bắt con mình phải thay đổi, không được phản biện và nêu chính kiến của mình với giáo viên mà là tìm một môi trường phù hợp hơn để con trai chị được chấp nhận.
Những câu chuyện kiểu như trên không hiếm gặp. Việc học sinh (HS) chỉ được phép răm rắp nghe lời thầy cô, trả lời đúng thì được cô khen, trả lời sai thì bị chê mà việc đúng hay sai ấy nhiều khi hoàn toàn theo cảm quan của cá nhân giáo viên, khiến phụ huynh cảm thấy lo lắng, bức xúc. Lo cho con lớn lên sẽ trở nên nhút nhát, sợ hãi không dám lên tiếng phản biện khi cần thiết, họ đổ xô cho con đến những trung tâm ngoài nhà trường để rèn luyện kỹ năng sống.
Hãy cho học sinh tự trải nghiệm
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng: “Căn bệnh mà chúng tôi đang nỗ lực khắc phục bằng nhiều cách khác nhau là giáo viên của chúng ta nói nhiều quá. Giáo viên lên lớp là thao thao giảng bài, bất luận bên dưới HS có thích thú nghe hay không. Hậu quả của việc này là HS không có thời gian để thảo luận, nói lên tiếng nói của mình, vì thế giáo viên không biết được suy nghĩ của HS đúng chỗ nào, lệch chỗ nào để sửa”.
Một giáo viên ở Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội cho biết: “Qua thực tế khi trường cho phép giáo viên các tổ bộ môn xây dựng chương trình giáo dục, được dạy học linh hoạt hơn theo đối tượng HS mà không cần phải dạy một bài cụ thể đúng trong mấy tiết, chúng tôi rút ra được bài học quý giá: cứ để cho HS trải nghiệm, cứ để các em tự đúc kết thì kiến thức thu được mới thực sự là của các em”. Tuy vậy, giáo viên này thừa nhận: “Những thay đổi từ phía cấp trên mới chỉ là bước đầu, chúng tôi mong chương trình mới phải thiết kế linh hoạt hơn rất nhiều thì giáo viên mới có thời gian dành cho HS phát huy năng lực của mình”.
Bà Nguyễn Kim Anh, giáo viên dạy văn Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, chia sẻ: “Thầy không thể chủ quan áp đặt cái hay, cái đẹp khi trò chỉ tiếp nhận cái ưng hợp với mình”. Do vậy, theo bà Kim Anh, đổi mới phương pháp không có cách nào khác là phải khơi gợi cho HS sự yêu thích môn học đó, cảm thấy hứng thú khi được trình bày cảm xúc, cảm nghĩ, chính kiến của mình về một vấn đề gần gũi, thiết thân với cuộc sống của HS.
Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết đang cố gắng thiết kế và thử nghiệm các chương trình toán học khác nhau để giúp HS không còn sợ học toán. Bà Thơ cho rằng mỗi HS là một thế giới. Giáo dục dạy các em những kiến thức cơ bản nhất nhưng cũng cần tôn trọng sự khác biệt, với cảm nhận thế giới bằng bản ngã riêng trước xã hội để lớn lên không bị triệt tiêu những sáng tạo rất cần thiết trong từng con người.
Phó giáo sư Hoàng Hòa Bình, Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng phương pháp thích hợp nhất để thực hiện chương trình theo định hướng năng lực là tổ chức hoạt động lấy HS làm trung tâm. Giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn hoạt động của HS, tạo môi trường hoạt động thân thiện để khuyến khích HS tích cực tham gia vào các hoạt động, không làm thay hoặc áp đặt quan điểm của mình cho HS. Giữa giáo viên với HS và giữa các HS với nhau thiết lập được mối quan hệ hợp tác nhiều chiều.
Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, cũng cho biết: “Ban đầu chưa quen thì lo lắng HS không hiểu bài. Tất nhiên, để thay đổi nhận thức, nhất là từ bỏ thói quen “thuyết giảng” ăn sâu vào giáo viên là không dễ, cần có quá trình và Bộ cũng phải có nhiều giải pháp để hỗ trợ giáo viên”.
 
Ý kiến
Khủng hoảng bởi giáo dục một chiều
Cách giáo dục của chúng ta từ trước tới nay khủng hoảng bởi lối giáo dục một chiều. Về mặt lý thuyết, từ khi đổi mới giáo dục chúng ta vẫn nói HS làm trung tâm nhưng trên thực tế, toàn bộ cách thiết kế chương trình, thời lượng ra sao... rất chặt. Giáo viên bị bó cứng theo cái khung ấy nên họ không có thời gian và có đủ quyền để có thể dạy theo cách mà họ cho là phù hợp với mỗi đối tượng HS khác nhau.
Tiến sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà (Học viện Thanh thiếu niên)
Ít được khám phá những gì hợp với sở thích
Phương pháp giảng dạy ở phổ thông có nhiều tính độc đoán. HS thường chấp nhận tuyệt đối những kiến thức từ thầy cô và sách giáo khoa dù đúng hay sai. HS rất ít được tự tìm tòi, suy nghĩ độc lập, chất vấn, thảo luận, phát biểu ý kiến và khám phá những gì hợp với sở thích của mình.
GS Trần Văn Hiển (ĐH Houston, Mỹ)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.