Căn bệnh khiến ca sĩ Madonna phải đặt nội khí quản cấp cứu nguy hiểm thế nào?

Thiên Lan
Thiên Lan
02/07/2023 15:42 GMT+7

Ca sĩ Madonna đã phải nhập viện vì nhiễm khuẩn nghiêm trọng, người quản lý của ca sĩ đã chia sẻ trong một bài đăng trên Instagram hôm 28.6.

Nữ ca sĩ (64 tuổi) được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), và phải đặt nội khí quản sau khi được phát hiện bị bất tỉnh hôm 24.6, theo trang tin sức khỏe Healthline.

Sau vài ngày nằm trong phòng ICU, sức khỏe của cô đang được cải thiện và đã được xuất viện hôm 29.6.

Không rõ loại vi khuẩn mà Madonna mắc phải.

Có một số loại nhiễm khuẩn, từ viêm phổi và viêm màng não đến nhiễm trùng da hoặc mô mềm hoặc nhiễm trùng máu.

Tiến sĩ Norman Ng, bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Staten Island (Mỹ), nói với Healthline: Những bệnh nhiễm trùng này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng nếu biết các biện pháp phòng ngừa, có thể giảm đáng kể rủi ro.

Căn bệnh khiến ca sĩ Madonna phải đặt nội khí quản cấp cứu nguy hiểm cỡ nào?   - Ảnh 1.

Ca sĩ Madonna đã phải nhập viện vì nhiễm khuẩn nghiêm trọng

SHUTTERSTOCK

Bệnh nhiễm khuẩn này lây lan như thế nào?

Mọi người có thể bị nhiễm khuẩn nghiêm trọng theo một số cách khác nhau.

Đầu tiên là do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc bề mặt bị ô nhiễm có chứa vi khuẩn nguy hiểm, bác sĩ Ng cho biết. Ví dụ như bệnh ho gà, bệnh lao, viêm họng liên cầu khuẩn và bệnh viêm màng não mô cầu.

Các vật trung gian, như ve, bọ chét và muỗi, cũng có thể truyền vi khuẩn sang người bằng cách chích vào da.

Vi khuẩn, bao gồm Staphylococcus, Streptococcus và Pseudomonas, có thể gây nhiễm trùng sau các thủ thuật phẫu thuật. Những vi khuẩn này có thể lây nhiễm qua dụng cụ phẫu thuật bị nhiễm khuẩn hoặc lây lan vào vết thương qua không khí hoặc người chăm sóc bị nhiễm bệnh.

Một con đường phổ biến khác là tiêu thụ thực phẩm và nước bị ô nhiễm. Ví dụ có thể nhiễm khuẩn Salmonella khi ăn thịt chưa nấu chín hoặc thực phẩm dính phân từ động vật bị nhiễm bệnh.

Hoặc có thể nhiễm vi khuẩn Listeria khi ăn rau sống, thịt, sữa chưa tiệt trùng hoặc thực phẩm chế biến như thịt nguội, có chứa vi khuẩn, theo Healthline.

Những người có nguy cơ cao nhất bao gồm người bệnh tiểu đường, người lớn tuổi, người mang thai, trẻ nhỏ và những người có hệ thống miễn dịch yếu như bệnh AIDS, bệnh nhân ung thư hoặc người cấy ghép nội tạng.

Tại sao nhiễm khuẩn có thể gây bệnh nghiêm trọng?

Các dấu hiệu ban đầu của nhiễm khuẩn bao gồm sốt, buồn nôn và nôn, nhịp tim nhanh và bất tỉnh.

Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, tiến sĩ Amesh Adalja, học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho hay những triệu chứng này có thể khiến người bệnh phải nhập viện cấp cứu (ED).

Vị trí nhiễm trùng khác nhau sẽ gây ra triệu chứng khác nhau. Ví dụ, người bị viêm phổi do vi khuẩn có thể bị khó thở phải đi cấp cứu hoặc người bị nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn có thể bị nóng rát khi đi tiểu cũng phải đến khoa cấp cứu, tiến sĩ Adalja cho biết.

Người bệnh cũng có thể phải vào phòng ICU nếu không thể duy trì lượng oxy, huyết áp hoặc bị tổn thương cơ quan nghiêm trọng.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, nhiễm trùng có thể lan vào máu và gây nhiễm trùng huyết, có thể phải nhập viện ICU, theo Healthline.

Căn bệnh khiến ca sĩ Madonna phải đặt nội khí quản cấp cứu nguy hiểm cỡ nào?   - Ảnh 2.

Có một số loại nhiễm khuẩn, từ viêm phổi và viêm màng não đến nhiễm trùng da hoặc mô mềm hoặc nhiễm trùng máu

SHUTTERSTOCK

Làm gì để ngăn ngừa nhiễm khuẩn?

Có một số bước đơn giản để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và tránh các biến chứng nghiêm trọng.

  • Hạn chế chạm vào mặt và rửa tay thường xuyên
  • Khi ra ngoài, hãy bôi thuốc chống côn trùng, mặc áo dài tay và quần dài để tránh côn trùng cắn, tiến sĩ Ng nói thêm.
  • Xử lý thực phẩm đúng cách, như rửa tay trước khi ăn và nấu kỹ thức ăn
  • Vệ sinh đúng cách, ở trong nhà nếu bị bệnh và rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh nhiễm khuẩn, theo Healthline.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.