Tôi thấy nhiều cán bộ bị truy cứu trách nhiệm hình sự do gây thiệt hại cho nhà nước nhưng được tòa cho hưởng án treo. Vậy những cán bộ này có thể quay trở lại làm với công việc như trước đó không?
Đối với trường hợp là chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban, hoặc những chức danh khác tương đương, hoặc cao hơn có được quay lại làm công việc cũ? Pháp luật quy định sao về trường hợp cho hưởng án treo?
Bạn đọc Thu Hằng.
Luật sư tư vấn
Luật sư Đặng Thị Thúy Huyền (Công ty luật TNHH HPL & cộng sự) tư vấn, cán bộ là công dân Việt Nam được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở cấp tỉnh, cấp huyện, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Cán bộ cấp xã được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong thường trực HĐND, UBND, bí thư, phó bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội (điều 4 luật Cán bộ, công chức).
Còn công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng...
Theo khoản 3 điều 78 luật Cán bộ, công chức, thì khi cán bộ phạm tội bị tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm.
Khi cán bộ đã bị kết án không phải về tội phạm tham nhũng và được hưởng án treo, thì sẽ không thuộc trường hợp bị buộc thôi việc, nhưng không được giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm nữa (chẳng hạn như chủ tịch và phó chủ tịch UBND các cấp…).
Ngoài ra, người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, công nhân công an… nếu được tiếp tục làm việc thì được bố trí công việc bảo đảm yêu cầu giám sát, giáo dục, được hưởng tiền lương và chế độ khác phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm, được tính vào thời gian công tác, thời gian tại ngũ (điều 88 luật Thi hành án hình sự).
Vậy khi nào thì cán bộ vi phạm mà được hưởng án treo? Tại điều 65 bộ luật Hình sự quy định, khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 - 5 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của luật Thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này.
Người được hưởng án treo đã chấp hành được 1/2 thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
Bình luận