Thời gian gần đây tôi thấy báo chí đưa thông tin về việc nhiều cán bộ sai phạm bị bắt và bị khám xét chỗ ở. Tuy nhiên, tôi không hiểu rõ quy định liên quan tới khám xét.
Vậy đối với trường hợp nào thì công an được phép khám xét chỗ ở, và có sự phân biệt giữa người dân thông thường với cán bộ không? Việc khám xét chỗ ở có cần ai chứng kiến không? Nếu phải thu giữ tài liệu, tài sản có phải lập biên bản không?
Bạn đọc Tiến Đặng.
Luật sư tư vấn
Luật sư Trần Văn Giới (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, khoản 1 điều 192 bộ luật tố tụng Hình sự quy định, việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có, hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.
Như vậy, theo quy định trên thì việc khám xét chỗ ở không có sự phân biệt giữa người dân vi phạm với cán bộ vi phạm pháp luật.
Khoản 1 điều 195 bộ luật tố tụng Hình sự, quy định khi khám xét chỗ ở phải có mặt người đó, hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến.
Trường hợp người bị khám xét chỗ ở, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.
Đặc biệt, không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Theo điều 198 bộ luật tố tụng Hình sự, thì khi khám xét, điều tra viên được tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án. Đối với đồ vật thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành thì phải thu giữ và chuyển ngay cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trường hợp cần thiết phải niêm phong thì tiến hành trước mặt chủ sở hữu đồ vật, người quản lý đồ vật, người chứng kiến, đại diện gia đình, đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét.
Theo đó, khi tạm giữ tài liệu, đồ vật trong quá trình tiến hành khám xét phải được lập biên bản. Biên bản tạm giữ được lập thành bốn bản, trong đó một bản giao cho người chủ tài liệu, đồ vật hoặc người quản lý tài liệu, đồ vật; một bản đưa vào hồ sơ vụ án; một bản giao cho Viện kiểm sát cùng cấp; và một bản giao cho cơ quan quản lý tài liệu, đồ vật bị tạm giữ.
Lưu ý, căn cứ vào điều 113 và điều 193 bộ luật tố tụng Hình sự, những người sau đây có thẩm quyền ra lệnh khám xét chỗ ở:
Thứ nhất, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp có thẩm quyền ra lệnh khám xét chỗ ở, nhưng phải được Viện kiểm sát phê chuẩn trước khi thi hành.
Thứ hai, Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện KSND và Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp.
Thứ ba, Chánh án, Phó chánh án TAND và Chánh án, Phó chánh án tòa án quân sự các cấp; hội đồng xét xử...
Bình luận (0)