Góp phần vào kết quả trên, chính là việc người phạm tội hợp tác, chủ động, tích cực nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, khắc phục hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra; cùng với đó là các chính sách khoan hồng của Nhà nước khi người phạm tội nộp tiền.
Cán bộ sai phạm nộp ngay tiền khắc phục hậu quả: Chỉ để được 'miễn tử'?
Vì sao hàng loạt cựu cán bộ sai phạm nộp ngay tiền khắc phục hậu quả, là vấn đề đang được dư luận quan tâm. Để thấy được vai trò, lợi ích của việc khắc phục hậu quả, PV Thanh Niên trao đổi với luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch TAT Law Firm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) xung quanh vấn đề này.
* Các số liệu mới nhất nói về việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt trên 20.000 tỉ đồng, ông đánh giá thế nào về kết quả này?
Luật sư Trương Anh Tú: Việc thu hồi tài sản vượt trên 20.000 tỉ đồng cho thấy sự quyết tâm và hiệu quả trong cuộc chiến chống tham nhũng. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng đây chỉ là bước đầu, và vẫn còn nhiều thách thức phức tạp phía trước.
* Điều gì, theo ông, đã đóng góp vào thành công lớn này?
Luật sư Trương Anh Tú: Thành công này chủ yếu là kết quả của sự hợp tác mạnh mẽ giữa Chính phủ, Bộ Tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án và các cấp ủy địa phương. Việc đặt ra mục tiêu cụ thể và theo dõi chặt chẽ tiến độ đặt nền móng cho sự thành công này.
Bên cạnh đó, việc người phạm tội nhìn nhận sai phạm, chủ động, tích cực nộp lại toàn bộ tiền chiếm đoạt, khắc phục hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra cũng đóng một vai trò lớn trong quá trình này.
"Điều này là một chuyển động tích cực"
* Ông nghĩ sao về việc khoảng gần 2 năm nay, tỷ lệ người phạm tội chủ động, tích cực nộp lại một phần lớn hoặc toàn bộ tiền sai phạm trong các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng?
Luật sư Trương Anh Tú: Điều này là một chuyển động tích cực. Người phạm tội tự nguyện nộp tiền không chỉ là tự bảo vệ mình mà còn là một đóng góp quan trọng vào quá trình thu hồi tài sản và ngăn chặn hậu quả của tham nhũng.
Cụ thể, thứ nhất, qua quá trình khắc phục hậu quả, Chính phủ có cơ hội thu hồi tài sản bị thất thoát do hành vi tham nhũng. Điều này giúp bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước, tạo ra nguồn tài chính quan trọng để phục vụ cộng đồng và phát triển đất nước.
XEM NHANH 20H ngày 7.1: Vì sao cán bộ nộp tiền khắc phục hậu quả?
Thứ hai, chấm dứt hành vi tham nhũng: hành vi khắc phục hậu quả không chỉ là hình phạt, mà còn là cơ hội để giáo dục và chấm dứt hành vi tham nhũng. Qua quá trình này, người bị kết án có thể nhận thức được hậu quả của hành vi sai trái và phát triển trách nhiệm cá nhân.
Thứ ba, giảm án phạt và tăng tính nhân văn: khắc phục hậu quả có thể dẫn đến giảm án phạt, tăng tính nhân văn trong quá trình xử lý hình sự. Đặc biệt, nếu bị cáo chủ động hợp tác và giải quyết hậu quả một cách tích cực, có thể xem xét miễn hình phạt nếu đủ điều kiện theo pháp luật quy định.
Thứ tư, tạo môi trường pháp luật thuận lợi cho người dân: Khắc phục hậu quả cũng tạo ra một môi trường pháp luật thuận lợi hơn cho bị can, bị cáo. Điều này có thể khuyến khích sự tin tưởng vào công bằng và công lý trong xã hội.
Tóm lại, việc khắc phục hậu quả không chỉ mang lại lợi ích ngay lập tức mà còn góp phần vào quá trình phòng ngừa và chấm dứt hành vi tham nhũng. Đây là một phần quan trọng trong chiến lược chung để xây dựng một xã hội công bằng và trung thực.
* Nếu phải nhìn nhận vấn đề trong tình hình phức tạp chống tham nhũng hiện nay, ông thấy có những thách thức nào?
Luật sư Trương Anh Tú: Thách thức lớn nhất chính là duy trì sự quyết tâm và minh bạch trong quá trình chống tham nhũng. Việc đối mặt với những thách thức mới đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo trong việc xử lý vấn đề. Chúng ta cần giữ cho sự quyết tâm không giảm và nhanh chóng thích ứng với biến động của thế giới, xã hội.
Có thể tạo tâm lý bất chấp phạm tội?
* Bên cạnh những tích cực trên, thì vẫn có ý kiến cho rằng, việc khắc phục hậu quả và giảm hình phạt có thể tạo tâm lý bất chấp phạm tội, “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, bởi khi hành vi phạm tội bị phát hiện thì chỉ cần khắc phục, bồi thường là xong?
Luật sư Trương Anh Tú: Đối với một con người, danh dự và bản án công luận xã hội mới là bản án nặng nề nhất.
Hơn nữa, theo quy định hiện hành, các hình phạt đối với tội phạm tham nhũng, kinh tế thì khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình. Còn quy định khắc phục hậu quả phần lớn hoặc toàn bộ để được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước, nhưng vẫn theo nguyên tắc “xử nghiêm, răn đe người chủ mưu, cầm đầu; nhân văn với đồng phạm có vai trò không đáng kể, không vụ lợi”.
Phải thấy rằng mặc dù trong luật có quy định về đường lối giải quyết đặc biệt là miễn hình phạt, cho những người tự nguyện khắc phục toàn bộ thiệt hại, nộp lại toàn bộ tài sản cho nhà nước, nhưng chưa có ai được hưởng chính sách này. Do đó, những trường hợp gần đây tự nguyện khắc phục hậu quả cũng chỉ để được "miễn tử".
"Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại", vì vậy khắc phục hậu quả không làm giảm đi tính nghiêm minh của pháp luật. Khoan hồng nhưng không có nghĩa hòa cả làng.
Bình luận (0)