Vì sao hàng loạt cựu cán bộ sai phạm nộp ngay tiền khắc phục hậu quả?

Phan Thương
Phan Thương
04/01/2024 15:56 GMT+7

Thời gian gần đây, đối với các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng xảy ra với số tiền thiệt hại lớn, đặc biệt lớn, thì quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị can, bị cáo đa số tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả.

Nộp khắc phục hậu quả ở giai đoạn điều tra

Vừa qua, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp bị bắt thì gia đình ông Hiệp đã chủ động nộp 4,2 tỉ đồng để khắc phục hậu quả cho bị can.

Cụ thể, ngày 3.1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an đã tiếp nhận 4,2 tỉ đồng từ người nhà ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng để khắc phục hậu quả cho ông Hiệp.

Gia đình ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch Lâm Đồng, đã nộp đủ 4,2 tỉ khắc phục hậu quả

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp bị bắt về hành vi nhận hối lộ. Đây là diễn biến mới trong quá trình mở rộng điều tra vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan. Vụ án này thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Vì sao hàng loạt cựu cán bộ sai phạm nộp ngay tiền khắc phục hậu quả?- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trước khi bị bắt

T.L

Trước đó, ngày 29.12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa tống đạt quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, để điều tra sai phạm liên quan đến vụ án Hạc Thành Tower.

Sau khi bị khởi tố, ông Trịnh Văn Chiến (cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa) đã chủ động nộp khoảng 22,5 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan công an để khắc phục hậu quả.

Ông Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư Thanh Hóa, nộp 22,5 tỉ đồng khắc phục sai phạm

Trước đó, ông Nguyễn Đình Xứng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) cũng nộp khoảng 22,5 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan công an, nhằm phục vụ điều tra và khắc phục hậu quả do sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower thời điểm bị can còn đương chức.

Ngoài ra, bà Đinh Cẩm Vân (cựu Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa) cũng nộp 10 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vì liên quan vụ án Hạc Thành Tower.

Các bị can trên bị khởi tố để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí" theo điều 219 bộ luật Hình sự.

Vì sao hàng loạt cựu cán bộ sai phạm nộp ngay tiền khắc phục hậu quả?- Ảnh 2.

Ông Trịnh Văn Chiến giai đoạn còn đương chức

T.L

Nộp khắc phục hậu quả ở giai đoạn xét xử

Quá trình xét xử các vụ án tham nhũng chức vụ, khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, một số bị cáo là cựu cán bộ, quan chức cũng chủ động hoặc vận động gia đình nộp một phần hoặc toàn bộ tiền nhận hối lộ, hoặc liên quan vụ án để khắc phục hậu quả.

Chẳng hạn, trong đại án “chuyến bay giải cứu”, kết quả điều tra xác định, cựu lãnh đạo Công ty Bầu Trời Xanh (BlueSky) đã đưa cho cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn 2,65 triệu USD (tương đương hơn 61 tỉ đồng) để lo lót không xử lý hình sự. Trong số này, có đủ cơ sở xác định bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an) nhận 800.000 USD, phần còn lại là 1,85 triệu USD ông Tuấn phải chịu trách nhiệm.

Đại án 'chuyến bay giải cứu': Hoàng Văn Hưng thoát án chung thân, bị tuyên 20 năm tù

Quá trình xét xử sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn đã tác động gia đình nộp khắc phục toàn bộ hậu quả với số tiền 1,85 triệu USD. Bị cáo Tuấn đang chấp hành án 4 năm tù về tội "môi giới hối lộ".

Vì sao hàng loạt cựu cán bộ sai phạm nộp ngay tiền khắc phục hậu quả?- Ảnh 3.

Cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội và gia đình nộp đủ 1,85 triệu USD

THANH NIÊN

Riêng bị cáo Hoàng Văn Hưng ở giai đoạn xét xử sơ thẩm kêu oan và bị TAND TP.Hà Nội tuyên tù chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau đó bị cáo Hoàng Văn Hưng kháng cáo kêu oan.

Tuy nhiên, trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hưng thay đổi nội dung kháng cáo, chuyển từ kêu oan sang giảm nhẹ hình phạt, đồng thời tác động gia đình, người thân, bạn bè nộp thay 18,8 tỉ đồng (tương đượng 800.000 USD) nhằm khắc phục hậu quả vụ án.

Sau đó, HĐXX phúc thẩm đã giảm án từ chung thân xuống 20 năm tù đối với bị cáo Hoàng Văn Hưng.

Bị cáo Hoàng Văn Hưng được đề nghị giảm án từ chung thân xuống 20 năm tùẢnh: Phúc Bình

Bị cáo Hoàng Văn Hưng nộp đủ 800.000 USD

THANH NIÊN

Tập đoàn Tân Hoàng Minh nộp hơn 8.600 tỉ đồng khắc phục

Liên quan đến sai phạm tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, theo kết luận điều tra, giai đoạn 2021 - 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường bất động sản đóng băng, tín dụng ngân hàng bị siết chặt.

Bối cảnh trên khiến Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn về tài chính, dư nợ tín dụng rất lớn, cần tiền trả nợ đến hạn và quá hạn, tiếp tục đầu tư mua bán cổ phần, dự án, chi phí hoạt động…

Để giải quyết, bị can Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) thống nhất chủ trương, chỉ đạo các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh sử dụng pháp nhân 3 công ty ngụy tạo hoạt động kinh doanh bằng các hợp đồng "khống", để làm phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ, từ đó chiếm đoạt hơn 8.600 tỉ đồng của các nhà đầu tư.

Cũng theo hồ sơ vụ án, quá trình điều tra, Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức liên quan đã phối hợp, tự nguyện khắc phục toàn bộ hậu quả khi nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra với tổng số tiền hơn 8.600 tỉ đồng.

Vụ án này chưa được đưa ra xét xử.

(Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.