Cán bộ, công chức cần tự soi bản thân

Mạnh Cường
Mạnh Cường
20/01/2022 05:24 GMT+7

Quảng Nam là địa phương đầu tiên áp dụng ' văn hóa từ chức' vốn còn chưa được phổ biến ở Việt Nam. Tuy vậy, nhiều người cũng đặt nghi vấn, rằng liệu câu chuyện 'văn hóa từ chức' có thực sự khả thi trong bối cảnh hiện nay?

Liên quan vấn đề này, Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chín, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam.

Bị kiểm điểm, mất uy tín thì nên miễn nhiệm

Thưa ông, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đáng chú ý có đề cập đến việc đề nghị cán bộ chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín thấp..., cá nhân ông đánh giá như thế nào về bộ quy tắc này?

Ông Nguyễn Chín - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam.

mạnh cường

Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức chủ yếu là tổng hợp tất cả những yêu cầu của cơ quan đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải làm đúng chức trách, nhiệm vụ để phục vụ tổ chức và công dân tốt nhất. Đồng thời, Bộ quy tắc cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không được làm những việc vi phạm pháp luật; trong đó có việc đề nghị cán bộ chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín thấp.

Vấn đề từ chức được quy định như thế nào?

Vấn đề “từ chức” đối với những người có chức vụ trong Đảng đã quy định rất rõ trong Quy định 41 của Bộ Chính trị. Cụ thể, thứ nhất là cá nhân cán bộ đó tự nguyện xin thôi chức vụ vì không đảm đương được công việc do lý do cá nhân như sức khỏe, năng lực hoặc yêu cầu nhiệm vụ quá cao. Thứ 2 do cán bộ thuộc diện bị kiểm điểm hoặc kỷ luật, chưa đến mức phải cách chức, nhưng mất uy tín với nhân dân, tổ chức thì cơ quan quản lý trực tiếp sẽ thực hiện quy trình miễn nhiệm thôi giữ chức vụ để điều động, bổ nhiệm vị trí khác.

Trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam

Mạnh Cường

Cán bộ giữ chức vụ phải biết giữ mình

Ai sẽ kiểm tra giám sát để phát hiện những cán bộ tiêu cực, sai phạm nhưng lại không chủ động từ chức?

Bộ quy tắc khi thành văn bản thì nó sẽ gợi mở cho cán bộ giữ chức vụ phải biết giữ mình, rèn luyện thường xuyên làm thay đổi nhận thức của từng người. Trường hợp nhận thấy bản thân không hoàn thành nhiệm vụ, nên tự nguyện thôi giữ chức vụ. Đối với những cán bộ sai phạm nhưng lại không chủ động từ chức, thì đơn vị giám sát là cơ quan quản lý của chính cán bộ đó. Trong trường hợp cán bộ vi phạm rồi bị kỷ luật, nhưng không chủ động từ chức, thì khi đó cơ quan quản lý phải có trách nhiệm xem xét, miễn nhiệm chức vụ.

Địa phương đưa ra thông điệp gì sau khi ban hành bộ quy tắc này?

Bộ quy tắc cho thấy ở đây mới dừng ở mức độ khuyến khích, động viên. Tuy nhiên, qua việc này có thể thấy thông điệp muốn hướng đến rất rõ ràng. Đằng sau Bộ quy tắc này, tỉnh muốn nhắc nhở mỗi cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý phải thực hiện chức trách của mình một cách tốt nhất để làm gương. Một khi bản thân cảm thấy khả năng hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút không còn đảm trách được nhiệm vụ đó nữa, thì nên chủ động thôi giữ chức vụ, nhằm tránh gây phiền toái cho tổ chức.

Ngoài ra, thông qua bộ quy tắc ứng xử này, từng cán bộ và công chức tự soi, tự nhìn, tự xem xét trong từng tiêu chí, nội dung để có hành xử, ứng xử trong việc thực thi công vụ sao đó cho phù hợp.

Văn hóa từ chức có khả thi ?

Theo bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam

mạnh cường

Theo bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, khi xây dựng bộ quy tắc trên, Sở Nội vụ căn cứ Quy định 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Tỉnh luôn khuyến khích sự tự nguyện chủ động xin thôi giữ chức vụ và đánh giá đúng mực những người có đủ dũng khí, lòng tự trọng tự nguyện từ chức.

Bà Hoa cho hay đối với việc chủ động xin thôi giữ chức vụ thì quy trình xin nghỉ việc sẽ căn cứ vào các quy định cụ thể về thôi việc và giải quyết chế độ thôi việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đối với cán bộ chủ động xin thôi việc cũng không nằm ngoài những quy định của pháp luật hiện hành. Sở Nội vụ sẽ có hướng dẫn đối với các trường hợp cụ thể theo quy định.

Mặt khác, phải coi văn hóa từ chức là một công cụ răn đe, cảnh báo nguy cơ bị xếp vào diện “uy tín thấp” để mỗi cán bộ, lãnh đạo quản lý thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trước tập thể, trước tổ chức. “Trên tinh thần cầu thị và đề cao văn hóa từ chức, tỉnh Quảng Nam mong muốn dư luận xã hội không nặng nề đối với những người tự nguyện từ chức; phải xem đó cũng là một hoạt động thực thi công vụ bình thường. Tỉnh luôn đánh giá cao thái độ trung thực với chính mình, là biểu hiện của sự tự trọng của mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý”, bà Hoa chia sẻ.

Ông Bùi Quốc Đinh, nguyên Bí thư Thành ủy Tam Kỳ (Quảng Nam), cho biết khi đang giữ chức Bí thư Thành ủy Tam Kỳ, ông đã chủ động viết đơn xin nghỉ hưu trước 2 năm. Văn hóa từ chức thì do nhận thức của mỗi con người. Nếu là đảng viên chuẩn mực, thì nên “nhường ghế” cho người trẻ phát triển khi bản thân cảm thấy mình không đủ năng lực, uy tín... “Văn hóa từ chức hiện nay có chuyển biến nhưng chưa mạnh”, ông Đinh chia sẻ.

Tạo cơ hội bình đẳng

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng cần phải nhìn nhận việc từ chức là một cách ứng xử công vụ rất bình thường. Bởi đôi khi cán bộ vì điều kiện gia đình, sức khỏe không đảm bảo thì họ xin nghỉ, việc này cũng tốt vì có thể nhường lại vị trí đó, tạo cơ hội cho người khác làm để đảm nhận tốt hơn công việc chung.

“Không phải ai xin từ chức, xin nghỉ thì bảo có vấn đề, chắc vi phạm cái gì đó. Mình không nên nặng nề việc này quá, có như vậy bộ máy mới công bằng, minh bạch và thu hút được nhân tài, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả những người khác có uy tín, năng lực”, ông Thanh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.