Bị xúc phạm, hăm dọa hành hung
“Do tổ công tác đa số là nữ nên khi đi kiểm tra tiếng ồn karaoke thường bị mấy người nhậu xỉn chửi bới. Thậm chí họ còn dọa “gọi xã hội đen tới xử”. Dù cố gắng làm việc bình thường nhưng tâm lý chúng tôi luôn hồi hộp khi gặp một bàn vừa nhậu, vừa hát karaoke. Có trường hợp xúc phạm, họ gọi mình là… chó, nhưng mình vẫn kiên nhẫn chịu đựng”, chị N.T.D.K, công chức UBND xã Tân Mỹ Chánh (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) chia sẻ.
Ông Đào Ngọc Thi, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Chánh, cho biết thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Tiền Giang về việc kiểm tra, xử lý tiếng ồn karaoke từ cuối năm 2017, xã đã triển khai phổ biến cho người dân biết; sau đó thành lập một tổ công tác 5 thành viên, do UBND TP.Mỹ Tho ký quyết định, gồm có văn hóa thông tin, môi trường và công an, do một phó chủ tịch xã phụ trách văn hóa xã hội làm tổ trưởng.
|
“Nhưng gần như tất cả các cuộc kiểm tra đều bị phản ứng. Bởi vì, các buổi hát karaoke thường diễn ra trong hoặc sau tiệc nhậu, đám tiệc, nên những người tham gia đều đã có uống rượu, thậm chí đã say xỉn. Trong khi đó thì tổ công tác 5 người nhưng chỉ có một công an viên là nam, còn lại là nữ, phó chủ tịch xã cũng là nữ. Ngoài ra, tiệc karaoke thường diễn ra vào cuối tuần, ban đêm, trong khi các thành viên tổ công tác mỗi người một nơi. Khi người dân báo tin đột xuất, có khi tổ công tác đến không kịp thời, bị dân phàn nàn”, ông Thi nói.
Quy trình quá chậm chạp
Cũng theo ông Thi thì khi kiểm tra, thường chủ cho thuê thiết bị không có phản ứng vì họ đã làm cam kết chấp hành quy định về giờ giấc, âm lượng. Chủ yếu là những người trong tiệc nhậu phản ứng. Như trường hợp một nhóm công nhân từ địa phương khác tới thi công công trình. Sau khi làm xong, họ tổ chức ăn nhậu rồi mướn dàn karaoke tới hát ầm ĩ. Dân phản ứng, tổ công tác tới nhắc nhở thì họ lớn tiếng chửi mắng và dọa gọi xã hội đen tới xử.
|
Ngoài ra, còn có một khó khăn khác là quy trình xử lý quá chậm. Chị N.T.D.K cho biết, đầu tiên là tổ công tác tiến hành đo tiếng ồn, lập biên bản đo đạc, lập biên bản làm việc rồi lấy mẫu gửi về Sở Tài nguyên - Môi trường. Sau khi giám định xong, sở chuyển kết quả đo đạc trở về xã. Đến lúc đó xã mới lập biên bản vi phạm hành chính rồi soạn thảo quyết định xử phạt trình UBND TP.Mỹ Tho ký. Tiếp theo, tổ công tác sẽ mời người vi phạm tới công bố quyết định xử phạt. Quy trình này thường kéo dài hơn nửa tháng chưa xong. Khi đó tính thời sự, răn đe, cũng giảm bớt.
Trưa ngày 7.3.2018, từ phản ảnh của người dân, tổ công tác của UBND xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang, tới nhà ông Huỳnh Văn Ca để đo tiếng ồn karaoke thì bị những người con của ông Ca bất ngờ dùng gạch tấn công, làm 3 người trong tổ công tác trọng thương, phải nhập viện. Trong đó có 2 công an viên của xã.
|
Bình luận (0)