‘Cán bộ không dám làm vì không biết làm thế nào cho đúng’

Mai Hà
Mai Hà
29/05/2023 17:27 GMT+7

Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Sáu, sau đại dịch Covid-19 đã xuất hiện căn bệnh sợ trách nhiệm, thu mình lại, dè chừng, ngại đưa ra quyết định... và lây lan từ ngành y sang ngành khác.

Tiếp tục thảo luận về báo cáo giám sát phòng, chống dịch Covid-19 chiều 29.5, đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, đại dịch đi qua, ngoài thắng lợi thì còn lại để lại nhiều điều để bàn, suy nghĩ và quan trọng hơn là để thay đổi.

‘Cán bộ không dám làm vì không biết làm thế nào cho đúng’ - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp)

PHẠM QUANG VINH

Theo ông Sáu, ngay từ đầu đã xác định "chống dịch như chống giặc", tinh thần khẩn trương, huy động mọi nguồn lực, chấp nhận cả hy sinh để chiến thắng. 

“Trong chống dịch, có bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu điều phải quyết định mà chưa có tiền lệ. Cái không hợp lý và hợp pháp đan xen nhau, mâu thuẫn, nên sau đại dịch tâm trạng xã hội rất nặng nề”, đại biểu Sáu nêu và cho rằng cử tri rất quan tâm các vụ việc như Việt Á, chuyến bay giải cứu đang được xử lý thế nào.

Hiệu ứng tích cực của những vụ việc trên xử lý rất kiên quyết với những thành phần mà lâu nay được xem là khó chạm đến, tạo niềm tin cho người dân. Song, cũng còn đó những nỗi buồn về tình người, tình đồng chí và quan trọng hơn là tính mạng đồng bào.

“Có quá nhiều cái hợp lý trong thời điểm chống dịch nhưng không hợp pháp trong thời này, chúng ta ứng xử như thế nào? Tôi rất đồng cảm vì trong chống dịch căng thẳng, cán bộ hành động theo tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, đâu có thời gian đọc hết nghị định, thông tư… Mà các văn bản này có khi cũng không áp dụng được trong thời điểm đó”, đại biểu Sáu nêu.

Mặt khác, trước đây, mỗi khi kết thúc một cuộc chiến, việc đầu tiên là xem xét ai còn, ai mất. Người mất sẽ được công nhận là liệt sĩ, người còn sống được tuyên dương. Dù xem "chống dịch như chống giặc" nhưng chúng ta chưa làm tốt những điều này.

ĐBQH Trần Văn Sáu: “Cán bộ không dám làm vì không biết làm thế nào cho đúng”

Cũng theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, thực tế từ chống dịch Covid-19 cho thấy, nếu áp dụng quy định đặc thù sẽ rất bất hợp lý, nhưng làm ngược lại thì đối mặt nguy cơ chịu trách nhiệm vì cố ý làm trái. 

“Sau dịch đã xuất hiện ngày càng nhiều và nặng hơn căn bệnh sợ trách nhiệm, thu mình lại, dè chừng, ngại đưa ra quyết định. Căn bệnh này đang lây lan từ ngành y sang ngành khác. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm và xem xét nhiều chiều”, ông Sáu nói.

Cũng theo đại biểu Sáu, “có những lý do khiến cán bộ công chức không dám làm vì không biết làm thế nào cho đúng”. Văn bản pháp luật còn chỗ chưa rõ, sơ hở, mâu thuẫn, nhưng hỏi cấp trên thì được trả lời chung chung, cứ theo pháp luật mà làm. Ông Sáu đề xuất cần tạo hành lang pháp lý để khuyến khích mọi người tự tin làm việc.

‘Cán bộ không dám làm vì không biết làm thế nào cho đúng’ - Ảnh 2.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam)

PHẠM QUANG VINH

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng nhiều vi phạm, vướng mắc nêu trong báo cáo được xác định là do nguyên nhân đại dịch Covid-19 là tình huống chưa có tiền lệ. 

Theo ông Hạ, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ tình huống đại dịch, Chính phủ cần xây dựng kịch bản ứng phó với nhiều cấp độ khác nhau, để trong tình huống khẩn cấp vẫn có những quy định, cơ chế rõ ràng, chặt chẽ. Các cơ quan, đơn vị có thể căn cứ vào đó triển khai công việc hiệu quả, hợp lý, hợp tình, hợp pháp, tránh lúng túng trong ứng phó hoặc gặp vướng mắc vì những quy định chưa rõ ràng.

Đại biểu Hạ cũng đề nghị cần bổ sung nội dung ghi nhận những sự đóng góp, giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong giai đoạn khó khăn khi đối mặt với đại dịch. Từ đó, nêu bật vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như chính sách đối ngoại đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước.

ĐBQH Dương Văn Phước: "Dịch Covid-19 là cuộc chiến chưa tiền lệ, áp dụng luật thời bình thật không công bằng"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.