Gần 43 tỉ đồng là số tiền ngân sách phải chi cho hoạt động bồi thường nhà nước năm 2015. Nhưng theo báo cáo về công tác bồi thường nhà nước mà Chính phủ vừa gửi các đại biểu Quốc hội, số tiền công chức làm sai hoàn trả cho Nhà nước chỉ xấp xỉ 109 triệu đồng.
Rất tiếc, báo cáo không có chú giải về việc tại sao số tiền hoàn trả của công chức làm sai lại quá thấp như vậy, mặc dù thừa nhận: “Trách nhiệm hoàn trả của công chức có hành vi gây thiệt hại rất thấp so với số tiền mà ngân sách nhà nước phải chi trả, gây phản ứng, không đồng tình trong dư luận xã hội và chưa có tác dụng răn đe, giáo dục đối với người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật nói riêng và đội ngũ cán bộ, công chức nói chung”.
Nhưng về cơ bản, có thể có 2 nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hoàn trả tiền bồi thường cho ngân sách nhà nước thấp. Thứ nhất, theo luật, người thi hành công vụ gây ra oan sai trong tố tụng hình sự không phải chịu trách nhiệm hoàn trả nếu họ có lỗi vô ý. Mà hầu hết các bản án oan, sai hiện đều được lý giải: do năng lực cán bộ hạn chế, do vô ý. Việc chứng minh là lỗi cố ý hay vô ý cũng không đơn giản; nó hoàn toàn phụ thuộc vào người đứng đầu muốn ra thế nào. Thứ hai, chúng ta đã không thực hiện nghiêm các quy định về bồi hoàn của người thi hành công vụ.
Điều 56 luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước quy định, người thi hành công vụ có lỗi, gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Điều 20 Nghị định 16/2010/NĐ-CP của Chính phủ chỉ rõ nếu đã được thông báo đến lần thứ ba mà cố ý không thực hiện thì người có nghĩa vụ hoàn trả bị kỷ luật theo quy định của pháp luật. Trường hợp người có nghĩa vụ hoàn trả không còn làm việc trong các cơ quan nhà nước thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện các biện pháp khởi kiện để thu hồi khoản tiền hoàn trả theo quy định của pháp luật.
Luật pháp như vậy là đầy đủ, rõ ràng, chỉ không rõ ràng ở sự né tránh, nể nang của các cấp thẩm quyền mà thôi.
Bất luận nguyên nhân là gì, việc “quan” làm sai, sau đó lấy tiền thuế của dân đóng góp để bồi thường là điều khó chấp nhận, nó không công bằng đối với người dân. Ngoài ra, nếu tuân thủ một cách nghiêm túc những quy định pháp luật về bồi hoàn sẽ khiến cho người thi hành công vụ cẩn trọng hơn trong hành xử, tránh làm sai.
Bình luận (0)