Cán bộ 'thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử'

27/10/2022 09:35 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông ( Bình Thuận ) phản ánh tình trạng cán bộ, kể cả cán bộ quản lý bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm ở nhiều nơi, dẫn đến tình trạng ách tắc trong công việc.

Sáng 27.10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông

gia hân

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị Quốc hội, Chính phủ giải quyết hiệu quả tình tình trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo quản lý.

"Có cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử", đại biểu Thông nêu.

Về nguyên nhân, đại biểu Bình Thuận phân tích, đầu tiên là do hiện chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật trong nhiều vấn đề, lĩnh vực.

"Đối với vấn đề này thì áp dụng luật này thì đúng nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì lại sai. Áp dụng vào thời điểm này thì đúng nhưng sau khi kiểm tra thời điểm khác thì lại sai", đại biểu Thông nêu.

Đại biểu Thông dẫn chứng, một trong những vấn đề dễ sai nhất là xác định giá đất.

Theo ông, quy định hiện hành việc xác định giá đất hầu như bằng các yếu tố giả định nên không chính xác. ĐB Thông dẫn chứng, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 3.2022 đối với Bộ trưởng Bộ TN-MT liên quan tới đấu giá đất, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc có phát biểu là phương pháp xác định giá đất, giá khởi điểm theo Nghị định 44 của Chính phủ, Thông tư 36 của Bộ TN-MT là không chính xác và đề nghị phải sửa đổi.

"Tuy nhiên, tới nay các quy định trên vẫn chưa được sửa và thực tế ở rất nhiều địa phương có rất nhiều dự án lớn, rất lớn chưa xác định được giá đất để triển khai đầu tư", đại biểu Thông nêu.

Từ đó, đại biểu Bình Thuận cho rằng, nếu Chính phủ không có giải pháp quyết liệt thì việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023 khó hoàn thành.

Đại biểu quốc hội Nguyễn Hữu Thông: Cán bộ tâm sự "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử"

Một nguyên nhân khác, theo ông Thông là cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung đã được bộ Chính trị ban hành trong Kết luận số 14 từ năm 2021 nhưng hiện chưa được cụ thể bằng văn bản quy phạm pháp luật. Điều này khiến cán bộ rất ngại trong quá trình công tác, họ làm cầm chừng, không dám đột phá.

"Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành T.Ư một mặt thường xuyên rà soát cơ chế chính sách nhằm điều chỉnh cho đồng bộ phù hợp thực tế. Mặt khác, sớm cụ thể hóa chủ trương của đảng bằng văn bản pháp luật sớm triển khai trong cuộc sống", đại biểu Bình Thuận nêu.

Đại biểu Tạ Văn Hạ

gia hân

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), cho rằng hiện tượng cán bộ công chức đùn đẩy, né tránh, nếu nói vướng mắc bởi chính sách pháp luật là chưa đủ, mà còn do con người, trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai thực hiện.

“Qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi thấy có mấy trường hợp: một là cán bộ năng lực hạn chế sợ không dám làm, hoặc cán bộ có năng lực nhưng ý thức tinh thần còn hạn chế, nghe ngóng né tránh", ông Hạ nêu.

Một nhóm khác, ông Hạ cho biết khi ông đặt câu hỏi luật Đất đai, luật Đấu thầu có từ năm 2013 nhưng khi đó không vướng mắc, nhưng sao giờ lại vướng. Nhiều người nói thẳng trước làm ẩu, làm thiếu trách nhiệm được, nhưng nếu bây giờ vẫn làm thế sẽ phát sinh vấn đề, nên làm cầm chừng hạn chế, không dám làm.

Tuy vậy, đại biểu Hạ cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh càng sớm càng tốt chất lượng công bộc phục vụ nhân dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.