Cần cách ly diễn viên phạm tội ấu dâm khỏi các game show có trẻ em

24/12/2016 07:16 GMT+7

Cần cách ly những đối tượng như diễn viên bị buộc tội ấu dâm khỏi các game show có trẻ em tham dự. Chúng ta, những ông bố bà mẹ có con nhỏ, cũng cần tỉnh táo phân biệt giữa hai khía cạnh hoàn toàn khác nhau.

Trẻ em là đối tượng dễ bị xâm hại, đặc biệt trong tình trạng bạo lực cả trong và ngoài học đường đang có dấu hiệu gia tăng như hiện nay.
Trên các trang báo, hầu như ngày nào cũng cập nhật các vụ việc đau lòng. Nhức nhối hơn, thủ phạm bạo hành hầu hết là người thân, là cha mẹ, là bạn bè cùng lớp, thậm chí là thầy cô giáo! Bố mẹ đánh con nhập viện, bạn đánh hội đồng bạn rồi quay clip, cô giáo đánh, hoặc dán miệng học sinh bằng băng keo… Có nghĩa là, bạo hành có thể đến từ mọi phía, kể cả phía lẽ ra được yêu thương, nâng niu.
Mới đây, trên một tờ báo, có đăng bài viết của một phụ huynh: “Tôi dạy con phải đánh trả khi bị bạn bắt nạt”. Đã có rất nhiều ý kiến đồng tình với hành động trên, riêng tôi, vẫn thấy băn khoăn, không lẽ, không còn cách nào khác là phải dạy cho trẻ phải tự mình chống lại bạo hành bằng bạo lực hay sao?
Tôi cũng có con nhỏ trong độ tuổi đến trường, gần gũi hỏi han con là việc làm thường xuyên mỗi ngày. Không thể dạy con đánh lại bạn, vì con là con gái, yếu đuối, tôi dạy con tránh xa xung đột trong lớp, trong trường. Không tham gia vào các cuộc tranh cãi, có oan ức gì hãy về kể cho bố biết, và tránh xa tụ tập ở cổng trường, vì nơi đó, dễ xảy ra xung đột hoặc giải quyết mâu thuẫn giữa các học sinh. Khuyên răn con chọn bạn mà chơi, đó cũng là cách hiệu quả để che chở cho con khi bố mẹ không được ở bên cạnh. Thông qua bạn của con, mình sẽ biết được nhiều thông tin hơn, biết những vui buồn hay va chạm của con ở lớp. Cố gắng sắp xếp thời gian để gặp gỡ vào trao đổi với giáo viên chủ nhiệm về tình hình học tập của con, về sinh hoạt ở lớp, ở trường cũng là cách mà tôi thường làm. Nếu không có thời gian, cũng nên có số điện thoại của thầy cô và liên lạc thường xuyên. Đừng để con mình “mất hút” khỏi tầm mắt khi bước vào cổng trường. Nhưng, như vậy, vẫn chưa yên tâm… Đó cũng là tâm trạng chung của rất nhiều phụ huynh có con nhỏ.
Câu chuyện về một diễn viên phạm tội tấn công tình dục ở nước ngoài vừa bị trục xuất về nước lại thêm một lần nữa để chúng ta có lý do để lo lắng. Đâu là “tấm lá chắn” hữu hiệu nhất để bảo vệ con trẻ trước sự biến tướng ngày càng nguy hiểm của các loại tội phạm? Vẫn chưa thể có đáp án làm yên lòng các phụ huynh nếu chưa có những chế tài hiệu quả nhằm triệt để đẩy lùi ngăn chặn nạn bạo hành. Câu hỏi đặt ra là, bằng cách nào để ngăn chặn những đối tượng nguy hiểm như vậy tiếp tục gây tội ác với trẻ em? Hành vi tấn công tình dục đối với trẻ nhỏ sẽ gây ra vết thương khủng khiếp cả về thể xác lẫn tâm hồn.
Cần có biện pháp mạnh từ các cơ quan chức năng, cách ly những đối tượng như diễn viên nêu trên khỏi các game show có trẻ em tham dự. Chúng ta, những ông bố bà mẹ có con nhỏ, cũng cần tỉnh táo phân biệt giữa hai khía cạnh hoàn toàn khác nhau: Tha thứ cho một kẻ phạm tội và ngăn chặn hành vi phạm tội từ đối tượng nguy hiểm. Để có một môi trường trong lành cho trẻ nhỏ, rất cần thái độ đúng đắn, tích cực, sáng suốt của người lớn. Đừng để đến khi quá muộn, số nạn nhân dài ra với tội ác khủng khiếp, chúng ta mới giật mình.
Ngay ở thời điểm này, Bộ LĐ-TB-XH đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em 2016, trong đó quy định chi tiết về các chính sách hỗ trợ đối với trẻ em có hoàn đặc biệt, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác hành vi xâm hại trẻ em thông qua tổng đài điện thoại quốc gia và trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng...
Trong khi chờ đợi Nghị định quy định chi tiết đi vào cuộc sống, chúng ta, những phụ huynh bận rộn, vẫn phải dành nhiều thời gian và tâm huyết để “bám sát” con em mình, che chở, bảo vệ, nâng niu.
Y Thiện Niê
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.