Chiều 20.12, các nhà nghiên cứu lịch sử, đại biểu dự hội nghị báo cáo kết quả khai quật di tích Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) đã thăm thực địa, nơi khai quật 27 cọc gỗ cổ thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 năm 1288.
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 1.10, trong quá trình đào vườn, ông Nguyễn Tuân Triệu (ngụ thôn 3, làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên) phát hiện 2 cọc gỗ dài hơn 3 m, đường kính hơn 30 cm.
Người dân cho rằng đây có thể là cọc gỗ liên quan đến các trận đánh trên sông Bạch Đằng nên đã báo cơ quan chức năng. Sau đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có quyết định cho khai quật, khảo cổ tại nơi phát hiện các cọc gỗ.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Hải Phòng, sau 2 tháng, đoàn khảo cổ đã khai quật được 27 cọc gỗ tại 3 hố. Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ thuộc trận chiến Bạch Đằng lần thứ 3, năm 1288.
|
Qua nắm bắt tình hình địa thế di tích tìm thấy cọc gỗ cổ, ông Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng, cho biết: “Đây có thể là bãi cọc mà quân dân nhà Trần lập lên để chặn không cho quân Nguyên Mông đi vào sông Giá. Qua đó, ép đại quân Nguyên Mông đang rút từ Phả Lại đi vào sông Bạch Đằng và rơi vào bãi cọc chính mà Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã bố trí”.
Cũng có chung quan điểm trên, giáo sư sử học Lê Văn Lan còn cho rằng: “Việc phát hiện thêm bãi cọc tại Hải Phòng cho thấy trận Bạch Đằng không chỉ là một trận đánh mà có thể là một chiến dịch có quy mô lớn".
Giáo sư Vũ Minh Giang đánh giá: “Khi phát hiện trận địa cọc này, với chúng tôi, những nhà nghiên cứu, thì sẽ phải sắp xếp lại, hình dung lại rất nhiều nhận thức về trận chiến Bạch Đằng”.
Theo giáo sư Vũ Minh Giang, những hiểu biết, nghiên cứu trước đây về trận Bạch Đằng dựa nhiều vào bãi cọc ở Quảng Yên (Quảng Ninh). Bãi cọc mới ở Hải Phòng có thể còn lớn hơn bên Quảng Yên nên chưa biết trận đánh chính của chiến dịch Bạch Đằng nằm ở đâu.
“Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng khiến chúng ta có nhận thức mới, thậm chí đảo lộn nhận thức về trận Bạch Đằng”.
Trên thực tế, người dân địa phương cho biết, khu vực tìm thấy 29 cọc gỗ cổ từng là lòng sông. Theo ghi nhận của chính quyền địa phương, nhiều cọc gỗ tương tự 29 cọc gỗ cổ đã từng được người dân tìm thấy trong quá trình canh tác ở đây.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)