Ở Hà Nội, mỗi con phố đều mang trong mình một câu chuyện văn hóa và ẩm thực riêng biệt. Trong đó, Hàng Đường là con phố người dân truyền tai nhau tới nếu muốn trải nghiệm ô mai với vô số cửa tiệm san sát nhau, thơm nức, quanh năm hút khách tứ phương. Với biển hiệu đơn giản cùng vách tường xanh cũ kỹ, ô mai Gia Lợi nổi bật không chỉ bởi sự hoài cổ mà còn bởi hương vị truyền thống đã tồn tại hơn 1 thập kỷ qua.
Được thành lập vào năm 1898 tại số 8 Hàng Đường, cửa hàng ô mai Gia Lợi là một trong những hiệu ô mai lâu đời có tiếng của Hà Nội. Dẫu cho hơn 1 thế kỉ đã trôi qua, nhưng Gia Lợi vẫn giữ được hương vị ô mai như thuở nào. Ông Bùi Văn Hưng, truyền nhân của cửa hàng ô mai Gia Lợi cho biết: "Việc lưu giữ văn hóa truyền thống làm ô mai là nghề gia truyền của nhà tôi. “Đến đời tôi là đời thứ 4, con gái tôi là đời thứ 5 theo nghề rồi! Gia đình nhà tôi mọi người cũng chia nhau nối nghiệp. Mỗi người mở một tiệm riêng, bán quanh phố cổ và giữ gìn bản sắc theo cách của riêng mình."
Ông Hưng kể lại, các cụ trong nhà bán từ những năm tám mấy, chỉ có cái chõng tre đơn sơ để bày hàng. Khi ấy, gia đình vẫn chưa có chỗ bán cố định do chạy tản cư nên các cụ gánh hàng đi bán khắp nơi. Có những ngày, cụ bà sang cả chỗ sông Đuống, Đông Trù, Đông Ngàn để bán.
Ông Hưng cho biết, thời xưa, khi hoa quả rụng đầy trước sân nhà, các cụ đã nghĩ cách chế biến những loại quả ấy thành ô mai như khế khô, sấu khô, mận khô, trám khô,... Các loại quả được phân loại, rửa sạch, phơi khô rồi cho vào lọ để muối, dăm quả sẽ đem ra phơi. Sau khi phơi nắng lần một, ô mai cần được mang đi ủ. Khi mềm sẽ tiếp tục phơi nắng lần hai để phần quả dẻo, ngọt, thơm lâu. "Phơi nắng dịu dịu thôi, đừng có phơi nắng to là hỏng, nó quắt lại, không ăn được", ông Hưng chia sẻ.
Hiện nay, các công đoạn làm ô mai đều được chuẩn bị cầu kỳ, kỹ lưỡng, từ khâu chọn nguyên liệu đến cách làm để tạo ra được hương vị đặc trưng của ô mai cổ truyền Hàng Đường. Cụ thể, đường ướp ô mai chỉ dùng loại đường phên truyền thống, trái cây được chọn lựa có nguồn xuất xứ, dày cùi, tươi ngon, đảm bảo chất lượng. Từng công đoạn đều được cơ sở thực hiện theo công thức, tuân thủ quy trình sản xuất và đảm bảo về thời gian. “Làm sao để ô mai phải dẻo dẻo, ra được cái vị chua chua, mặn mặn, cay cay mới được”, ông Hưng tiết lộ.
Bình luận (0)