Cận cảnh khai thác bãi tro xỉ triệu đô ở miền Tây

24/12/2022 15:23 GMT+7

Sau một năm chật vật tìm đầu ra, bãi tro xỉ trị giá hàng triệu đô la trúng đấu giá từ các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, Trà Vinh đã chính thức khai thác đem san lấp công trình thay thế nguồn cát đang khan hiếm.

Chật vật thay cát san lấp

Ngày 23.12, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) cho biết, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận Hòa TV (Công ty Thuận Hòa TV) vừa chính thức khai thác bãi tro xỉ 1 triệu m3 để đưa đi san lấp công trình trên địa bàn. Một năm trước, doanh nghiệp này trúng đấu giá 1 triệu m3 tro xỉ với giá trị tiết lộ hơn 17 tỉ đồng để làm vật liệu san lấp thay thế cát.

Trước đó, từ 2020, tro bay và xỉ đáy lò của các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) thuộc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (gồm các NMNĐ Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng) đã được cấp chứng nhận hợp chuẩn làm vật liệu san lấp, hợp quy tro bay dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng.

Tro xỉ của nhà máy nhiệt điện ở TX.Duyên Hải, Trà Vinh đang được khai thác cho san lấp công trình trường dạy lái xe trên địa bàn

ĐÌNH TUYỂN

Tuy nhiên, nếu như tro bay luôn được các nhà máy làm bê tông, clinker sản xuất xi măng xếp hàng mua tiêu thụ thì xỉ đáy lò lại gặp không ít chật vật khi tìm đường ra công trình. Thậm chí, tháng 8.2022, Công ty Thuận Hòa TV đã gửi công văn “cầu cứu” đến Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Trà Vinh về việc hỗ trợ tìm hướng tiêu thụ nguồn tro xỉ trên địa bàn.

Ông Trần Phước Lợi, Phó giám đốc Công ty Thuận Hòa TV, cho biết: “Dù đã đủ các điều kiện làm vật liệu san lấp nhưng khi xây dựng hồ sơ thiết kế, hầu hết các công trình, dự án vẫn xem cát là lựa chọn duy nhất, tro xỉ hoàn toàn không có cơ hội để được xem xét cạnh tranh với cát san lấp”.

Sau nhiều khó khăn, đầu tháng 12 vừa qua, Công ty Thuận Hòa TV đã tìm được đầu ra san lấp tại một dự án trường dạy lái xe ở Trà Vinh với giai đoạn 1 hơn 100.000 m3. Ngay sau đó, việc khai thác bốc dỡ bãi xỉ đã được tiến hành.

Từ năm 2020, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện thuộc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải được cấp chứng nhận hợp chuẩn làm vật liệu san lấp

ĐÌNH TUYỂN

So sánh với cát san lấp, ông Lợi cho biết, giá tro xỉ tại bãi thấp nhưng chi phí vận chuyển lại tốn kém hơn. “Cụ thể, cát có thể bơm lên công trình, còn tro xỉ cần sử dụng cơ giới nhiều và qua nhiều công đoạn. Tuy nhiên, theo tôi, cát sông khai thác riết rồi sẽ cạn kiệt. Cho nên chúng tôi sẽ tập trung thực hiện công trình một cách an toàn, chất lượng để chứng minh cho người ta thấy tro xỉ thực sự rất tốt khi thay thế cát san lấp”, ông Lợi nói.

Hiện doanh nghiệp này cũng đang thương thảo cung cấp tro xỉ san lấp với một số đối tác khác ở các tỉnh, thành ĐBSCL.

Cận cảnh khai thác bãi tro xỉ triệu đô ở miền Tây

Bãi xỉ hàng triệu đô

Ông Lương Thanh Phương, Phó quản đốc Phân xưởng nhiên liệu, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, trực tiếp giám sát khai thác bãi xỉ, cho biết: “Việc doanh nghiệp mua và giải phóng được nguồn tro xỉ tại bãi là tín hiệu khả quan không chỉ mang lại nguồn thu lớn mà sẽ góp phần thúc đẩy việc sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng và phụ gia, gạch không nung”.

Theo Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, 3 nhà máy của công ty này có 2 bãi tro xỉ với tổng diện tích khoảng 50 ha, sức chứa hơn 5,4 triệu m3. Ngoài 1 triệu m3 đã đấu giá đang khai thác, 2 bãi xỉ trên vẫn đang trữ tạm gần 3 triệu m3 tro xỉ. Với giá bán tại bãi ước tính hơn 17 tỉ/1 triệu m3 thì khối lượng tro xỉ còn lại có giá trị hàng triệu USD.

Hiện tại, các bãi chứa tro xỉ được chia thành từng ô chứa lớn, xây đê bao, trồng cây phi lao xung quanh. Tro, xỉ tích trữ tạm đã được lu lèn, chống thấm, bơm nước và cải tạo trồng cây bồn bồn mọc cao.

Vì sao tro bay đắt hàng?

Giải thích về việc các doanh nghiệp xếp hàng mua tro bay làm bê tông, clinker xi măng, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV bê tông Ticco (KCN Mỹ Tho, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang), cho biết cùng với cát, đá, xi măng, thì tro bay được sử dụng như chất phụ gia trong bê tông.

Tro bay được dùng làm phụ gia bê tông để sản phẩm bóng, mịn hơn

ĐÌNH TUYỂN

“Mặc dù thêm tro bay sẽ thêm chi phí, nhưng bù lại cho bê tông láng bóng, mịn đẹp hơn. Từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường so với các sản phẩm thô khác”, ông Thắng nói.

Hiện, mỗi ngày doanh nghiệp của ông Thắng sử dụng khoảng 30 tấn tro bay từ Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 làm phụ gia sản xuất ống cống, cọc ly tâm, cọc vuông truyền thống. Năm 2021, công ty này làm ra 110.000m cọc, 90.000m cống các loại.

Trong khi đó, giải thích về quy trình vận chuyển tro xỉ, ông Âu Nguyễn Đình Thảo, Phó giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, cho biết tro bay của các nhà máy được đưa đến các silo bằng hệ thống ống sử dụng khí nén, sau đó tạo ẩm thông qua bộ trộn tro ẩm (15 - 20% nước) trước khi xả xuống xe bồn của các doanh nghiệp thu mua. Còn xỉ đáy lò được xả xuống xe thùng phủ kín thông qua phễu xỉ, phun nước tạo ẩm và chở ra ngoài bãi xỉ.

Cũng theo ông Thảo, cùng với việc tro xỉ bắt đầu được đưa đi san lấp thì hiện tại nguồn tro bay nhà máy phát thải ra bao nhiêu đều được tiêu thụ ngay, bởi có đến 16 đơn vị ký hợp đồng thu mua. “Công ty đã phải đầu tư thêm hệ thống ống dẫn tro bay ra cảng để ưu tiên tiêu thụ bằng đường xà lan, tàu biển để vận chuyển được nhiều hơn”, ông Thảo nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.