Cần cho phép khấu trừ chi phí ăn ở, đi lại, khám chữa bệnh

17/02/2022 06:51 GMT+7

Quy định về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện nay cho phép người nước ngoài làm việc ở Việt Nam có con học tại Việt Nam từ bậc mầm non đến trung học phổ thông mà học phí do người sử dụng lao động trả hộ, thì chi phí học hành này sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

Tương tự, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được khấu trừ khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi về phép mỗi năm một lần trước khi tính thuế, nhưng người lao động trong nước thì không được.

Trong khi thực tế, lực lượng lao động trong nước di chuyển từ tỉnh thành này sang tỉnh thành khác, từ bắc vào nam là rất lớn. Đây cũng là một khoản phí không nhỏ với nhiều gia đình, nhất là dịp tết cổ truyền hằng năm. Ví dụ, vào dịp Tết Nhâm Dần vừa qua, một gia đình 4 người từ TP.HCM mua vé bay về Hà Nội cũng hết hơn 30 triệu đồng. Đây là số tiền lớn với nhiều gia đình có thu nhập thấp và trung bình.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng quy định đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam khác với người trong nước là phân biệt đối xử, không công bằng. Nhà nước nên xem xét thay đổi để các quy định về thuế tạo nên sự công bằng. Trong đó, cho phép người nộp thuế khấu trừ các chi phí hợp lý nói chung để đảm bảo đời sống và tạo ra nguồn thu nhập. Chẳng hạn, cho trừ tiền xăng đi lại trong tháng, trừ lãi vay để mua ngôi nhà đầu tiên hoặc khấu trừ tiền thuê nhà hằng tháng…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp (DN) được trừ đi các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ trong hoạt động kinh doanh sản xuất, thì cũng nên áp dụng tương tự đối với cá nhân. Hiện nay, các DN không bị khống chế chi phí và đóng thuế thu nhập DN (TNDN) là 20% chỉ tính nếu có lãi. Xu hướng thuế TNDN những năm gần đây giảm dần và Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm mức thuế này xuống còn 15 - 17%. Trong khi đó, biểu thuế TNCN dù theo lũy tiến từ 5 - 35%, nhưng không được trừ đi các chi phí như DN nên tỷ lệ thuế trên thu nhập là rất cao.

Ông Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô - Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng tại một số quốc gia, cá nhân khi tính thuế sẽ được trừ các chi phí hợp lý hợp lệ tương tự như DN. Nếu người dân được giảm trừ các chi phí trước khi tính thuế TNCN thì họ sẽ lấy hóa đơn. Hiện tại, người dân lấy hóa đơn có khi bị tính thêm thuế giá trị gia tăng từ 8 - 10%, trong khi hóa đơn không sử dụng vào việc gì thì cũng chẳng cần phải lấy. Những chi phí được đề cập gồm học phí (có thể cho người nộp thuế, cho con…); tiền điện nước, internet; khám chữa bệnh, chi phí đi lại (ít nhất cũng được đưa vào chi phí vé máy bay, tiền du lịch mỗi năm 1 lần), tiền trả góp ngân hàng mua nhà, sửa chữa nhà… Tất cả những chi phí này người nộp thuế có hóa đơn phải được trừ trước khi tính thuế.

Trường hợp cho cá nhân trừ đi các chi phí thiết yếu thì không cần phải đưa ra tỷ lệ khống chế, bởi nhiều nước hiện nay không áp dụng tỷ lệ khống chế này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.