Cần có tổ chức giám hộ giữ tiền từ thiện giúp trẻ

12/12/2017 21:40 GMT+7

Sau khi thông tin bé Trần Quốc Lộc (9 tuổi, ở Quảng Trị) phải sống một mình trong căn nhà trống giữa bia mộ đăng trên các phương tiện truyền thông, nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp tiền, quà giúp cậu bé.

Đến nay, nhiều nhà hảo tâm đã lên kế hoạch tới thăm, quyên tiền, quà ủng hộ Lộc. Có người muốn nhận cậu bé về nuôi.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đối với trường hợp của Lộc, một cậu bé còn quá nhỏ và không có người thân thường xuyên bên cạnh, thì giúp đỡ như thế nào là việc hết sức thận trọng, để tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra như trường hợp của cậu bé Hào Anh năm nào.
Cần kế hoạch hỗ trợ thích hợp
Ông Lê Hoàng Thạch (sáng lập quỹ từ thiện HTCB, TP.HCM), người nhiều năm làm công tác từ thiện chia sẻ: “Nên có một tổ chức giám hộ giữ tiền, chẳng hạn như hội chữ thập đỏ hoặc hội phụ nữ. Khi nào cậu bé Lộc đủ 18 tuổi mới giải ngân. Hoặc mỗi tháng giải ngân một số tiền căn bản phục vụ việc ăn học”.

Nhìn nhận về việc làm từ thiện, thạc sĩ Huỳnh Minh Hiền, giảng viên khoa Xã hội học - Công tác xã hội - Đông Nam Á, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết: “Đối với một người rơi vào hoàn cảnh cần sự giúp đỡ, thì cần tìm hiểu xem điều họ mong muốn nhất là gì. Chẳng hạn như trường hợp bé Lộc, các nhà hảo tâm nên hiểu rõ mong muốn, nhu cầu hiện tại của bé, sau đó mới đưa ra một kế hoạch hỗ trợ thích hợp. Nếu trẻ đang bị tổn thương về tâm lý, bị gia đình bỏ rơi suốt 2 năm, sống cô đơn thiếu thốn như vậy, thì vật chất không phải là thứ có thể bù đắp tổn thương về mặt tâm lý. Điều quan trọng là giúp Lộc được sống cùng với người thân, được giao tiếp xã hội”.

Thạc sĩ Hiền chia sẻ thêm: “Phải có người đồng hành cùng với mẹ con Lộc trong suốt một thời gian dài để chắc chắn rằng việc hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần có hiệu quả và bền vững trong tương lai. Nếu chỉ đưa cho họ một cục tiền, thì không cẩn thận họ sẽ trở thành nạn nhân của chính sự giúp đỡ đó...”.

Đứng về góc độ tâm lý, tiến sĩ tâm lý Võ Văn Nam, khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng đối với một đứa trẻ chưa biết hết giá trị của đồng tiền, thì đồng tiền đến một cách bất ngờ, ồ ạt sẽ khiến trẻ không biết trân quý. Từ đó, hình thành thái độ ỉ lại, trông chờ vào người khác. Ngoài ra, khoản tiền đó còn gây nguy hiểm cho trẻ, biến trẻ thành mục tiêu tấn công của kẻ xấu.

“Thật đáng mừng khi xã hội vẫn luôn có rất nhiều nhà hảo tâm. Nhưng, nếu từ thiện sai cách sẽ rất nguy hại. Hãy giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn bằng cách tạo điều kiện cho họ có thể tự đứng trên đôi chân của mình để sống tiếp một cuộc sống vững vàng. Nghĩa là giúp họ chiếc cần câu hơn là cho họ con cá. Nhờ thế, họ biết trân quý giá trị lao động và không phụ thuộc vào người khác”, tiến sĩ Nam nhìn nhận.

Cách đây 9 năm, cậu bé Nguyễn Hoàng Anh (Hào Anh) đang học lớp 4 phải nghỉ để đi làm thuê ở trại tôm giống Minh Đức (Cà Mau) để kiếm tiền. Hào Anh bị chủ bạo hành trong nhiều năm, sau đó được người dân giải cứu. Các mạnh thường quân đã đóng góp được số tiền lên tới 800 triệu đồng để giúp đỡ. Năm 2014, khi đủ 18 tuổi, Sở LĐ-TB-XH Cà Mau đã trao lại số tiền này cho Hào Anh. Cậu bé dùng một nửa để mua nhà, còn lại cậu mua xe máy, tiêu xài hoặc cho bạn gái mượn hết. Sau đó, Hào Anh sa vào vòng lao lý vì tội trộm cắp tài sản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.