Căn cứ bí mật trên đảo của Ấn Độ

22/12/2018 08:31 GMT+7

Ấn Độ âm thầm duy trì căn cứ quân sự chiến lược với vũ khí tối tân trên quần đảo Andaman giữa Ấn Độ Dương để theo dõi tàu ngầm Trung Quốc.

Mới đây, dư luận quốc tế đổ dồn sự chú ý vào vụ nhà truyền giáo Mỹ John Allen Chau bị thổ dân sát hại trên đảo Bắc Sentinel ở Ấn Độ Dương vào ngày 16.11. Đây là một trong số những hòn đảo thuộc quần đảo Andaman, vùng “không lối thoát” kể cả với quan chức Ấn Độ. Tuy nhiên, quần đảo tọa lạc giữa Đông Nam Á và Tiểu lục địa Ấn Độ lại là cứ điểm chiến lược, theo tờ Asia Times. Ấn Độ đã bí mật duy trì một căn cứ quân sự được trang bị khí tài quân sự tối tân tại Andaman. Các nguồn thạo tin tiết lộ, từ căn cứ này quân đội Ấn Độ có thể theo dõi bất kỳ động thái nào của tàu ngầm Trung Quốc đi qua vịnh Malacca, cùng lúc nghe lén những cuộc điện đàm trên biển. Chính những thổ dân trên đảo Bắc Sentinel có thể cũng không hay biết sự tồn tại của căn cứ trên cũng như những hoạt động quân sự bí mật gần bên.
Quần đảo Andaman Ảnh: Chụp màn hình Asia Times

Các nguồn tin không nói chi tiết căn cứ bí mật nằm trên đảo nào, nhưng nhấn mạnh đây là một trong những “lá bài” quan trọng nhất của quân đội Ấn Độ, đặc biệt là khi Trung Quốc đang tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương. Theo các nhà phân tích, quần đảo Andaman có thể trở thành tiền tuyến mới trên biển trong cuộc đối đầu địa chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Thời gian qua, quân đội Ấn Độ đã triển khai thêm máy bay vận tải quân sự, máy bay tuần tra săn ngầm P-8 Poseidon và phi đội
Su-30 đến quần đảo Andaman. Các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo quân đội Ấn Độ còn gọi Andaman là “tàu sân bay tĩnh”. Hải quân Ấn Độ đồng thời duy trì Lực lượng Đặc nhiệm (MARCOS) tại đây để kịp thời ứng phó trước những động thái của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Theo tờ The Indian Express, từ năm 2013, quân đội Ấn Độ đã từng nhiều lần phát hiện tàu ngầm Trung Quốc hoạt động ở Ấn Độ Dương, bao gồm cả khu vực gần quần đảo Andaman. Năm 2016, Ấn Độ đã nhờ đến sự hỗ trợ của Mỹ để theo dõi các tàu ngầm Trung Quốc, được cho là trung bình mỗi 3 tháng lại xuất hiện tại quần đảo trên 4 lần. Tư lệnh hải quân Ấn Độ, Đô đốc Sunil Lanba cho biết lần gần nhất nước này phát hiện là vào tháng 10.2018, một tàu ngầm Trung Quốc được triển khai đến hoạt động tại khu vực trong suốt 30 ngày.
Andaman cùng với quần đảo lân cận Nicobar hình thành lãnh thổ liên hiệp gọi là quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Với trụ sở ở Port Blair, thành phố chính thuộc quần đảo Andaman và Nicobar, một trung tâm chỉ huy của quân đội Ấn Độ được thành lập vào năm 2001 nhằm bảo vệ lợi ích chiến lược tại Tiểu lục địa Ấn Độ, điều phối hoạt động của các lực lượng trong khu vực. Cụ thể, trung tâm chỉ huy chịu trách nhiệm đối với căn cứ phối hợp không quân và hải quân, 2 căn cứ hậu cần, 2 trạm hải quân và 1 căn cứ không quân.
Theo tờ Asia Times, quân đội Ấn Độ thời gian qua cũng đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các đối tác tại quần đảo Andaman và Nicobar. Năm 2016, Ấn Độ đã đồng ý mở cửa căn cứ hải quân đón tàu chiến Mỹ, đổi lại được tiếp cận công nghệ vũ khí hiện đại nhằm thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc. Tuy nhiên, từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền ở Mỹ, các cam kết của Washington đối với New Delhi được cho là không còn vững chắc như trước. Chính vì vậy, Ấn Độ chuyển hướng tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nhật Bản, dù Tokyo từng chiếm quần đảo Andaman và Nicobar trong Chiến tranh thế giới lần 2. Theo thỏa thuận được ký kết gần đây, tàu hải quân Nhật Bản sẽ sớm ghé thăm Port Blair. Nhật Bản và Ấn Độ đồng thời đang thương lượng để nâng cấp cơ sở hạ tầng tại quần đảo này. Trước đó, hồi năm 2017, hải quân Ấn Độ và Nhật Bản đã diễn tập chống tàu ngầm ở Ấn Độ Dương, theo tờ The Economic Times.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.